1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bà May chuyển sang "Kế hoạch B" cho Brexit

Thủ tướng Anh Theresa May đã trình “Kế hoạch B” cho Brexit lên quốc hội hôm 21/1, sau khi thỏa thuận ban đầu về việc đưa nước Anh ra khỏi EU bị bác bỏ vào thời điểm chỉ cách hạn chót 10 tuần.

Bà May chuyển sang Kế hoạch B cho Brexit - 1
Thủ tướng Anh Theresa May đang chật vật tìm giải pháp thay thế sau khi thỏa thuận Brexit của bà bị Hạ viện gạt bỏ. (Ảnh: Tolga Akmen)

 

Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3 mà không có thỏa thuận nào nếu các nghị sĩ Anh kéo dài thời hạn hoặc đưa ra một kế hoạch thay thế mà cả họ và Brussels đều hài lòng.

Nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới có thể mất quyền tiếp cận ưu tiên vào thị trường xuất khẩu lớn nhất chỉ sau 1 đêm, làm ảnh hưởng đến mọi ngành và dẫn đến chi phí gia tăng và ngưng trệ ở các cảng của nước Anh.

London và Brussels đã có 2 năm qua để bàn với nhau về thỏa thuận “ly hôn”, nhưng các nghị sĩ Hạ viện Anh đã bác bỏ thỏa thuận này trong một cuộc bỏ phiếu tuần trước.

Chính phủ của bà May sống sót qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau đó và tiến hành đối thoại với các các đảng đối thủ để tìm lối thoát.

Nữ Thủ tướng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Đức Angela Merkel vào thứ 5 tuần trước, với các lãnh đạo EU Jean-Claude Juncker và Donald Tusk vào thứ 6 để thảo luận về các bước tiếp theo.

Các lãnh đạo EU cho đến nay vẫn gạt bỏ khả năng đàm phán lại, nhưng đánh tín hiệu rằng họ có thể trì hoãn thời hạn chia tay nếu bà May thay đổi “vạch đỏ” về việc rời khỏi liên minh thuế quan EU và chặn công dân tự do đi lại.

Sau khi bà May vạch kế hoạch cho những bước đi tiếp theo, các nhà làm luật Anh cũng đặt lên bàn hàng loạt sửa đổi để tổ chức bỏ phiếu vào ngày 29/1.

Ít nhất 2 nhóm nghị sĩ liên đảng đã lên kế hoạch bàn về các sửa đổi để giúp các thành viên đảng trì hoãn hoặc phá hỏng đề xuất của bà May.

Một nhóm dự định sẽ đình chỉ quá trình Brexit nếu không đạt được thỏa thuận mới với Brussel vào cuối tháng 2 tới.

Nhóm thứ hai muốn các thành viên trong đảng tranh luận và bỏ phiếu về Brexit với tần suất mỗi tuần 1 lần, phá vỡ quy ước chính phủ kiểm soát thời gian biểu của quốc hội.

 

Văn phòng của bà May ở phố Downing gọi hai nhóm này “cực kỳ đáng lo”.

Một trong những vấn đề bị phản đối nhiều nhất trong thỏa thuận ly hôn là cái gọi là điều khoản dự phòng về biên giới Ireland – một sự bảo đảm về pháp lý rằng biên giới sẽ vẫn mở để luân chuyển tự do nếu Anh và EU không thể nhất trí một thỏa thuận thương mại tự do dài hạn.

Anh không thể đơn phương rút khỏi điều khoản này.

Nhưng báo Sunday Times đưa tin bà May sẽ đề xuất một thỏa thuận riêng với Dublin.

“Bà ấy muốn đề xuất một hiệp định song phương với Ireland để loại bỏ điều khoản ‘dự phòng’ bị ghét bỏ trong thỏa thuận với EU trước đó, và ngăn chặn lập lại biên giới cứng bằng các biện pháp khác”, Sunday Times viết.

Các trợ lý tin rằng cách làm này sẽ giúp bà May thuyết phục được những thành viên đảng Bảo thủ hoài nghi về EU và Liên minh Dân chủ (DUP), đảng lớn nhất ở Bắc Ireland.

Ông Graham Brady, người đứng đầu nhóm nghị sĩ thứ yếu, nói rằng ông nghĩ thỏa thuận Brexit của bà May có thể được chấp nhận nếu điều khoản dự phòng về Ireland được bỏ ra.

Theo Bình Giang

Tiền phong