1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ba Lan sẽ đưa "hỏa thần" HIMARS tới sát biên giới Nga

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Ba Lan xác nhận sẽ đặt các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS tại khu vực sát biên giới Nga.

Ba Lan sẽ đưa hỏa thần HIMARS tới sát biên giới Nga - 1
Nhiều tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ sản xuất sẽ sớm được Ba Lan đưa tới khu vực sát biên giới Nga (Ảnh: US Army).

Trong một phát biểu hôm 17/3, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak đã công bố kế hoạch đặt một số hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS gần biên giới Nga.

"Tới cuối năm 2023, các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ sản xuất sẽ được đưa vào biên chế của Sư đoàn cơ giới số 16 của quân đội Ba Lan đóng quân gần vùng Kaliningrad của Nga", ông Blaszczak tuyên bố.

Trước đó, Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch bán nhiều tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS cho Ba Lan nhằm tăng cường năng lực tác chiến cho quốc gia này.

HIMARS là tổ hợp pháo phản lực cơ động cao do nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Tổ hợp này có tầm bắn khoảng 80km đối với đạn pháo thông thường và có thể lên tới 300km với tên lửa chiến thuật. Năng lực tấn công và khả năng bắn chính xác của loại vũ khí này đã được khẳng định một cách rõ nét tại chiến trường Ukraine.

Đáp trả phát biểu trên của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, người phát ngôn của chính quyền vùng Kaliningrad Dmitry Lyskov khẳng định đây là "một động thái gây hấn" từ quốc gia láng giềng. Theo ông Lyskov, các tổ hợp HIMARS "có bản chất là vũ khí tấn công" và việc đặt chúng gần biên giới Nga là không phù hợp. Tuy nhiên, ông cũng trấn an người dân vùng Kaliningrad rằng họ sẽ được bảo vệ bởi Hạm đội Baltic và các đơn vị khác của quân đội Nga.

Trước đó, nhà chức trách Nga đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Mỹ và phương Tây đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực vì bán vũ khí cho Ba Lan cùng các quốc gia thuộc vùng Baltic.

Tuyên bố trên của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan được đưa ra ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn việc bán các tên lửa AGM-114R2 Hellfire cùng thiết bị liên quan cho Ba Lan. Hợp đồng này sẽ có giá trị khoảng 150 triệu USD.

Thời gian gần đây, Ba Lan đã liên tục tiến hành mua sắm thêm các loại vũ khí hạng nặng nhằm đẩy nhanh kế hoạch hiện đại hóa quân đội theo tiêu chuẩn của NATO.

Vào cuối tháng 9/2022, Ba Lan đã ký hợp đồng mua 48 tiêm kích hạng nhẹ FA-50 trị giá khoảng 13,7 tỷ USD từ Hàn Quốc. Các tiêm kích FA-50 này sẽ được sử dụng nhằm thay thế cho phi đội MiG-29 đã cũ của Không quân Ba Lan. Trước đó, Ba Lan thông báo sẽ mua 1.000 xe tăng K2 Black Panther từ Hyundai Rotem, một công ty con về lĩnh vực quốc phòng của tập đoàn Hyundai Motor.

Theo Newsweek