Ba Lan "mở đường" cho Đức đóng quân, Nga cảnh báo đanh thép
(Dân trí) - Nga cảnh báo quyết định của Ba Lan về việc sẵn sàng tiếp nhận quân đội Đức trên lãnh thổ trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở châu Âu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 17/1 cho biết, thông báo của Ba Lan về việc sẵn sàng tiếp nhận các đơn vị quân đội Đức, ngoài các lực lượng NATO hiện có, thể hiện chương trình nghị sự chống Nga và làm gia tăng căng thẳng ở châu Âu.
Bình luận của bà Zakharova được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Andrzej Szejn hôm 15/1 tuyên bố, Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận quân đội Đức trên lãnh thổ nước này lần đầu tiên kể từ Thế chiến 2 nhằm củng cố hơn nữa sườn phía đông của NATO.
Trong cuộc họp báo hôm 17/1, bà Zakharova nhắc lại rằng hiện có khoảng 10.000 lính Mỹ đóng quân ở Ba Lan, bên cạnh một nhóm tác chiến chiến thuật đa quốc gia của NATO gồm các quân nhân từ Mỹ, Anh, Romania và Croatia.
Bà Zakharova chỉ ra rằng những lời kêu gọi triển khai thêm lực lượng nước ngoài tới Ba Lan là "không cần thiết nếu các quốc gia này hướng tới hòa bình". Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng ở châu Âu và kéo dài sự sụp đổ của an ninh toàn châu Âu, trong bối cảnh an ninh châu Âu đã bị NATO phá hoại hoàn toàn.
Bà Zakharova cũng cho biết, vào cuối năm ngoái, Đức đã ký một thỏa thuận với Lithuania để tăng quy mô của quân đội Đức trên lãnh thổ nước này lên thành một lữ đoàn. Bà cho rằng các nhà lãnh đạo Ba Lan đang cố gắng không "tụt hậu so với các nước láng giềng trong việc thể hiện lòng trung thành với họ đối với những người anh em từ Berlin và Washington".
"Việc gia tăng hoạt động và tăng cường khả năng quân sự của NATO gần biên giới Nga và Liên minh Nga - Belarus là hành động mang tính khiêu khích và dẫn đến sự suy thoái hoàn toàn của cấu trúc an ninh châu Âu", bà Zakharova nói, đồng thời cảnh báo "những bước đi như vậy chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng thích đáng từ phía Nga".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng xem xét liệu Ba Lan sẽ dự định hỗ trợ như thế nào cho việc triển khai quân đội Đức trên lãnh thổ nước này và liệu họ có yêu cầu Berlin bồi thường hay không, vì trên thực tế Warsaw đã yêu cầu Đức bồi thường 1,3 nghìn tỷ USD cho thiệt hại trong Thế chiến 2.
Ba Lan là thành viên của liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn dắt và cũng là nước có chung biên giới với cả Ukraine và Belarus, một đồng minh của Nga.
Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và Ba Lan càng trở nên xấu đi sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ba Lan được xem là một trong những đồng minh ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, đóng vai trò hàng đầu trong việc thuyết phục các đồng minh cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev.
Ba Lan là một trong những quốc gia viện trợ lớn cho Kiev kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Ba Lan đã trở thành một trung tâm chính để chuyển viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine. Ba Lan cũng là thành viên NATO đầu tiên tuyên bố chuyển máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev từng cảnh báo việc Ba Lan tăng cường quân sự và sự hiện diện quân sự của Ba Lan ở Ukraine có thể gây ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Warsaw với Belarus và Nga. Ông cho rằng "những hành động liều lĩnh của Ba Lan, nếu được hỗ trợ bởi các đồng minh NATO, có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm sâu rộng cho toàn thế giới, và khi đó Ba Lan sẽ đóng vai trò là ngòi nổ cho Thế chiến 3".