1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Bà đầm thép” khiến Tổng thống Trump lao đao

(Dân trí) - Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi muốn được nhớ đến với các thành tích lập pháp như thông qua Đạo luật chăm sóc y tế, song thực tế điều khiến tên tuổi của bà được nhắc đến nhiều chính là quá trình luận tội tổng thống thứ 45 của Mỹ.

“Bà đầm thép” khiến Tổng thống Trump lao đao - 1
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (Ảnh: AFP)


Nữ chủ tịch Hạ viện duy nhất trong lịch sử Mỹ

Vài giờ trước khi thông báo Hạ viện Mỹ sẽ điều tra để xem có luận tội với Tổng thống Donald Trump hay không, bà Nancy Pelosi đã nhận được một cuộc gọi từ người đứng đầu Nhà Trắng để bàn về bạo lực súng đạn. Tuy vậy, cuộc nói chuyện đã nhanh chóng chuyển sang chủ đề về Ukraine.

“Ông ấy tiếp tục nói ‘cuộc gọi đó là hoàn hảo, khi xem bản ghi, bà sẽ thấy nó là một cuộc gọi hoàn hảo”, bà Pelosi kể lại.

Đến hôm 18/12, khi Hạ viện tiến hành hai cuộc bỏ phiếu, ông Trump chính thức trở thành tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội. Một người khác cũng đi vào lịch sử Mỹ chính là bà Pelosi.

Bà Pelosi đảm nhận chức Chủ tịch Hạ viện vào tháng 1 năm nay, đánh dấu lần thứ hai bà giữ cương vị này. Đặc biệt, bà là phụ nữ duy nhất trong lịch sử Mỹ từng làm chủ tịch Hạ viện Mỹ, chức vụ đứng thứ hai trong thứ tự kế vị tổng thống, chỉ sau phó tổng thống.

Bà Pelosi có thể coi là người dẫn dắt những nỗ lực điều tra và luận tội ông Trump, là người quyết định khi nào cần nhanh, khi nào cần chậm lại. Nhiệm vụ tiếp theo của bà Pelosi giờ đây là trình các điều khoản luận tội tổng thống lên Thượng viện.

Người phụ nữ xoay vần chính trường Mỹ

“Bà đầm thép” khiến Tổng thống Trump lao đao - 2
Bà Pelosi được coi là người phụ nữ quyền lực nhất trên chính trường Mỹ. (Ảnh: Getty)

Sau phiên bỏ phiếu luận tội tổng thống tối 18/12, bà Pelosi cho biết bà có thể chưa trình bản luận tội lên Thượng viện, cũng như chưa vội bổ nhiệm các hạ nghị sĩ đóng vai trò là công tố viên trong phiên tòa xét xử tổng thống có thể diễn ra ở Thượng viện. Động thái này của bà Pelosi được cho là nhằm gây sức ép buộc lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell phải công bố chi tiết kế hoạch xét xử nhằm đảm bảo một phiên tòa công bằng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bước đi này của bà Pelosi khá rủi ro không chỉ với bà Pelosi mà cả với quyền kiểm soát Hạ viện của đảng Dân chủ, khi một bộ phận cử tri cho rằng đảng Dân chủ không dứt khoát trong việc phế truất tổng thống.

Bà Pelosi cho thấy bà không nóng vội trong việc luận tội tổng thống ngay cả khi bà chỉ thị cho cấp dưới điều tra ông Trump ở nhiều khía cạnh khác nhau như các liên hệ qua lại giữa ông với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hay vấn đề xung đột lợi ích.

Khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller công bố báo cáo cho thấy ít nhất 10 lần ông Trump cản trở công lý, rất nhiều nghị sĩ Dân chủ đã hối thúc bà mở cuộc điều tra người đứng đầu chính phủ, bà chỉ điềm tĩnh đáp lại: “Cần phải có chiến lược, chọn đúng thời điểm”.

Chỉ đến khi xuất hiện cáo buộc ông Trump gây sức ép với giới chức Ukraine điều tra đối thủ chính trị, bà Pelosi mới quyết định không thể trì hoãn nữa. Bà nhóm họp hàng ngày với lãnh đạo của 6 ủy ban Hạ viện đã điều tra Tổng thống Trump. Bà cũng đích thân sửa từng câu chữ trong các thông cáo hay báo cáo của các ủy ban trước khi công bố cho công chúng. Bà cũng tỉ mỉ trong cách lựa chọn trang phục để thể hiện quyền lực của người đứng đầu Hạ viện trong ngày biểu quyết luận tội tổng thống - một ngày mà bà cho là vô cùng quan trọng

Bà Pelosi chia sẻ, bà muốn được người ta nhớ đến không phải nỗ lực luận tội tổng thống mà là những thành tích lập pháp như thông qua Đạo luật chăm sóc y tế Obamacare của cựu Tổng thống Barack Obama. Tất nhiên, bà Pelosi không có quyền lựa chọn.

Những nỗ lực của bà trong khi được phe Dân chủ đánh giá cao thì lại bị coi là cái gai trong mắt phe Cộng hòa. Trong bức thư gửi bà Pelosi tuần trước, ông Trump cảnh báo: “Lịch sử sẽ phán xét bà”. Nghị sĩ Cộng hòa Steve Scalise cũng chỉ trích: “Đây sẽ là vết nhơ trong sự nghiệp của bà Pelosi. Bà ấy có thể ghi tên mình trong lịch sử bằng nhiều cách khác nhau như nữ chủ tịch Hạ viện đầu tiên. Nhưng về khía cạnh lạm dụng quyền lực quốc hội để giải quyết vấn đề cá nhân, tôi cho rằng nó đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta”.

Minh Phương
Theo New York Times