Bà Clinton tiết lộ lý do Mỹ từ chối đơn tị nạn của Vương Lập Quân
(Dân trí) - Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tiết lộ lý do Washington từ chối đơn tị nạn chính trị của cựu giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân và cách thức đội ngũ nhân viên của bà hóa giải 2 cuộc khủng hoảng ngoại giao vốn có thể đe dọa quan hệ Mỹ-Trung.
Bà Clinton tiết lộ về 2 cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan tới vụ Vương Lập Quân (trái) và Trần Quang Thành.
Trong một bài phát biểu gần đây tại London (Anh), bà Clinton đã tiết lộ các sự kiện quanh vụ chạy trốn vào lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Thành Đô của ông Vương Lập Quân hồi tháng 2/2012.
Bà Clinton cũng nói về cuộc đối đầu căng thẳng với Trung Quốc sau khi luật sư nhân quyền mù Trần Quang Thành trú ẩn tại đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh 2 tháng sau đó.
Về vụ Vương Lập Quân, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã miêu tả tình hình tại Thành Đô là gây báo động khi các cảnh sát trung thành với cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai bao vây tòa nhà lãnh sự quán.
"Khi "cánh tay phải" của Bạc Hy Lai là Vương Lập Quân xuất hiện tại lãnh sự quán xin tị nạn, ông ấy không phù hợp với bất kỳ phạm trù nào để Mỹ có thể đồng ý cho ông ta tị nạn. Vương Lập Quân từng dính dáng tới tham nhũng, bạo lực. Ông ta là người thực thi luật pháp của Bạc Hy Lai", bà Clinton nói.
Ông Vương đã chạy tới lãnh sự quán Mỹ sau một cuộc tranh cãi nảy lửa với ông Bạc tại Trùng Khánh. Vương đã thông báo cho ông Bạc rằng vợ ông bị tình nghi sát hại doanh nhân Anh Neil Heywood. Ông Bạc đã ngay lập tức nổi giận, tát vào mặt ông Vương, khiến ông này phải chạy khỏi thành phố ít ngày sau đó để tìm kiếm sự bảo vệ của Mỹ.
Ông Vương đã cố gắng "tìm nơi an toàn. Nhưng mặt khác, lãnh sự quán nhanh chóng bị bao vây bởi các cảnh sát, vốn là cấp dưới của Bạc Hy Lai. Vì vậy, vụ việc trở thành một tình huống rất nguy hiểm", bà Clinton tiết lộ.
"Ông Vương liên tục nói rằng ông ấy muốn đưa sự thật tới Bắc Kinh. Ông ấy muốn chính phủ tại Bắc Kinh biết những gì đã và đang xảy ra. Vì vậy chúng tôi nói: "Chúng tôi có thể sắp xếp điều đó". Và trên thực tế đó là những gì chúng tôi đã làm. Chúng tôi rất thận trọng về việc đó vì không muốn gây khó khăn cho bất kỳ ai liên quan tới vụ việc, nhưng cố gắng xử lý vụ việc theo cách rất chuyên nghiệp. Tôi nghĩ chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ".
Ông Vương Lập Quân đã bị kết án 15 năm tù hồi tháng 9/2012 và ông Bạc bị kết án tù chung thân hồi tháng 9 năm nay nhưng đang kháng án. Còn vợ ông Bạc là Cốc Khai Lai bị kết án tử hình nhưng được hưởng án treo hồi năm ngoái.
Vụ tị nạn của luật sư mù Trần Quang Thành
Trong cuộc trò chuyện tại London, bà Clinton cũng tiết lộ về việc Mỹ trợ giúp luật sư mù Trần Quang Thành rời khỏi Trung Quốc.
Ông Trần đã trốn thoát khỏi tình trạng quản thúc tại gia ở tỉnh Sơn Đông và chạy tới đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Bắc Kinh hồi cuối tháng 4/2012, chỉ một tuần trước khi Trung Quốc dự kiến chủ trì các cuộc đàm phán cấp cao thường niên với Washington.
"Tôi nhận được cuộc gọi về việc của ông Trần vào một buổi tối khuya. Khi đó chỉ còn một tuần nữa là diễn ra Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ-Trung thường niên ở Bắc Kinh. Tôi biết rằng đây có thể là một vấn đề phức tạp trong mối quan hệ song phương. Nhưng tôi cũng tin rằng đây là lúc chứng tỏ các giá trị của Mỹ. Người đàn ông này xứng đáng được Mỹ quan tâm, hỗ trợ và bảo vệ", bà Clinton cho biết.
"Sau đó, chúng tôi phải thông báo với chính phủ Trung Quốc rằng chúng tôi đang chứng tỏ lòng mến khách đối với một công dân của họ và muốn thảo luận với họ về chuyện đó", bà Clinton nói.
"Tôi đã liên lạc với Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc và nói rằng: "Điều này nằm trong lợi ích của các ông chứ không phải của chúng tôi và có một cách để chúng ta giải quyết vấn đề này".
"Nhưng phản ứng đầu tiên của ông ấy là: "Chúng tôi không bao giờ muốn nói về người đàn ông này với bất kỳ ai. Chúng tôi không tham gia đàm phán", cựu Ngoại trưởng Mỹ kể lại.
"Tôi nói: "Chúng ta phải đàm phán và chúng ta cần bắt đầu ngay bây giờ và cần giải quyết vấn đề này khi các cuộc gặp giữa hai nước kết thúc", bà Clinton cho hay.
Bà Clinton cho hay bà đã nghe lời khuyên từ những người đồng cấp Trung Quốc rằng không nên nêu ra vấn đề ông Trần Quang Thành trong các cuộc gặp với cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Nhưng vụ việc của ông Trần đã phủ bóng các cuộc hội đàm kéo dài 2 ngày.
Ban đầu, hai bên nhất trí rằng ông Trần sẽ được chuyển tới một nơi an toàn ở đại lục và sẽ không bị làm phiền. Đến ngày 2/5/2012, cuộc tranh cãi kéo dài 6 ngày đã kết thúc với việc đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke hộ tống ông Trần từ đại sứ quán tới bệnh viện, nơi ông được điều trị các vết thương.
Bà Clinton đã gọi điện cho ông Trần trên đường tới bệnh viện và hai người đã có cuộc trò chuyện mà giới chức Mỹ khi đó miêu tả là "xúc động".
Bộ ngoại giao Trung Quốc khi đó đã yêu cầu Washington xin lỗi vì can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh. Báo chí nhà nước Trung Quốc khi đó đã giận dữ chỉ trích ông Trần và cảnh báo "các nhà ngoại giao không nên đi quá giới hạn của họ", ám chỉ đại sứ Mỹ Gary Locke.
Trong khi được điều trị tại bệnh viện, ông Trần đã thay đổi ý định và muốn rời khỏi Trung Quốc.
An Bình
Theo SCMP