1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ba bước đi cần thiết của Mỹ ở Biển Đông

(Dân trí) - Chỉ trong ít tháng, Trung Quốc đã cải tạo các bãi đá nhỏ ở Biển Đông thành 6 căn cứ quân sự, gây đe dọa lớn cho khu vực và thách thức lợi ích tự do hàng hải của Mỹ. Trước tình hình đó, học giả Mỹ đề xuất 3 bước đi cần thiết cho chính quyền Washington.

Ba bước đi cần thiết của Mỹ ở Biển Đông
Quy mô các đảo đá ở Biển Đông đang được mở rộng từng ngày bằng các hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc (Ảnh: CSIS)

Trong một bài viết gây chú ý trên báo Washington Post gần đây, hai học giả Mỹ Michael J.Green và Mira Rapp Hooper đã bày tỏ quan ngại đặc biệt về những hành động bồi đắp đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang rốt ráo tiến hành ở quần đảo Trường Sa.

Học giả Michael J.Green là Giáo sư hàng đầu của Đại học Georgetown và là Phó Chủ tịch phụ trách vấn đề châu Á và Nhật Bản của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS). Mira Rapp Hooper là cộng sự của Giáo sư Michael J.Green tại CSIS.

Theo hai tác giả, việc mở rộng và biến đổi các bãi đá nhỏ ở Biển Đông là diễn biến mới nhất trong một loạt hành động gây hấn của Trung Quốc.

Trước đó, hồi năm 2012, các lực lượng hàng hải Trung Quốc đã “xua đuổi” Philippines từ bãi cạn Hoàng Nham/Scaborough (theo cách gọi tương ứng của mỗi bên) về phía tiền đồn ở phía Bắc quần đảo Trường Sa. Cũng trong năm này, Bắc Kinh tuyên bố khu vực Hoàng Nham/ Scaborough nằm trong quyền quản lý của khu vực hành chính Tam Sa được lập một cách phi pháp và vội vã ở Biển Đông.

Tiếp đó đến tháng 5/2014, các tàu chiến Trung Quốc đã hộ tống đưa giàn khoan dầu nước sâu khổng lồ “Hải Dương-981” vào trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.

Giờ đây, với việc thay đổi hiện trạng một số bãi đá trên Biển Đông để tạo thành 6 căn cứ quân sự có các vũng cạn và đường băng, Trung Quốc đã tiến thêm một bước nguy hiểm trong mục tiêu độc chiếm Biển Đông. Theo hai tác giả, các căn cứ này sẽ cho phép lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc duy trì hiện diện thường trực tại vùng biển giao thương huyết mạch nhộn nhịp bậc nhất thế giới mà không cần phải quay về đất liền để tiếp liệu hay sửa chữa.

Không chỉ thế, việc đẩy mạnh quy mô và tốc độ bồi đắp đảo nhân tạo của Bắc Kinh còn nhằm phục vụ mục tiêu sớm thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) như giới chức Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo. Sau khi ADIZ được thiết lập, mọi máy bay muốn đi qua khu vực cần phải đăng ký với chính quyền Bắc Kinh, tương tự như Trung Quốc đã làm một năm trước ở biển Hoa Đông.

Về vị trí các bãi đá được Trung Quốc cải tạo bồi đắp, theo các tác giả, Bắc Kinh đã rất khôn ngoan khi lựa chọn xây căn cứ quân sự trên những đảo mà tiềm lực quân sự của các nước xung quanh chưa đủ mạnh để thách thức, và cũng không nằm trong phạm vi bảo vệ của Mỹ.

Điều này trái ngược với biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc phải tránh đụng độ với Lực lượng phòng vệ trên biển hùng mạnh của Nhật Bản và tránh châm ngòi cho hành động can thiệp của Mỹ liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản.

Trong bối cảnh đó, Mỹ - với vai trò là nước có lợi ích trong việc đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông - cần phải ngăn chặn Trung Quốc sử dụng áp lực thay đổi hiện trạng. Có 3 biện pháp mà chính quyền Tổng thống Barack Obama có thể thực hiện nay để ngăn Bắc Kinh đi theo xu hướng hiện nay:

Thứ nhất, Washington nên tiếp tục đầu tư giúp xây dựng năng lực cho các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là những nước bị đe dọa trực tiếp từ sự tăng cường lực lượng nhanh chóng của Bắc Kinh. Đặc biệt, Mỹ nên ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của các nước Đông Nam Á cải thiện khả năng giám sát hàng hải. Trong khi đó, Nhật Bản và một số nước khác giúp đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển giao trang thiết bị.

Thứ hai, hải quân Mỹ phải thể hiện rõ quan điểm là các hành động của Trung Quốc không được làm ảnh hưởng tới tự do hàng hải trong khu vực và việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông là không thể được chấp nhận. Việc Mỹ triển khai luân phiên 4 tàu chiến tới Singapore đã giúp ích cho điều này, song các tàu thuộc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cũng cần phải tăng cường diễn tập với các đối tác trong khu vực.   

Thứ ba, Washington cần nhiệt thành ủng hộ các biện pháp ngoại giao và pháp lý của các nước Đông Nam Á nhằm kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Mỹ lâu nay muốn ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhưng chưa có hành động thực sự cụ thể để buộc Bắc Kinh không được trì hoãn tiến trình đàm phán. Vụ kiện của Philippines đối với những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông là cơ hội tốt để Mỹ triển khai ngay các hành động ủng hộ cụ thể.

Theo hai tác giả Michael J.Green và Mira Rapp Hooper, mục tiêu chính sách của Mỹ không nhằm đánh bại Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao ở châu Á mà chỉ muốn “lái” Bắc Kinh đi theo con đường ngoại giao trách nhiệm hơn. Vì thế, ba biện pháp đề xuất ở trên cần phải được tiến hành một cách nhịp nhàng, đồng bộ để đạt kết quả cao nhất.

Trong thời gian qua, mặc dù Washington đã có những bước đi nhỏ theo hướng  này nhưng chưa phát huy tác dụng do còn quá rụt rè trong việc gây áp lực thực sự cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi Trung Quốc đã dám “bất chấp tất cả” để tăng cường tiềm lực quân sự ở Biển Đông thì Nhà Trắng không thể trù chừ được nữa. Nếu không có phản ứng đủ mạnh ngay lúc này, nguy cơ về một cuộc đối đầu nguy hiểm trong tương lai sẽ rất khó tránh khỏi.

Đức Vũ 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm