1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Australia: Tân thủ tướng, tân chính sách

(Dân trí) - Trong những bình luận đầu tiên về chính sách của chính quyền mới, tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã chỉ trích cách thức ứng xử của Bắc Kinh và đòi hỏi “Trung Quốc cần minh bạch hơn về các mục đích của họ trong khu vực”.

 


Tân Thủ tướng Australia Malcolm chụp ảnh cùng các thành viên nữ trong nội các (Ảnh: News)

Tân Thủ tướng Australia Malcolm chụp ảnh cùng các thành viên nữ trong nội các (Ảnh: News)

 

Nội các mới

Sáng 21/9, nội các mới của tân Thủ tướng Australia cũng đã tuyên thệ nhậm chức trước Toàn quyền Peter Cosgrove. Thành phần nội các mới gồm 21 bộ trưởng, tăng so với nội các cũ chỉ có 19 bộ, với nhiều nghị sỹ trẻ hơn và có tới 5 nữ, trong đó bà Marise Payne trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Australia.

Ông Turnbull đã bổ nhiệm mới và chuyển đổi nhiều vị trí, song vẫn giữ lại một số bộ trưởng chủ chốt như Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop, Bộ trưởng Tài chính Mathias Cormann, Bộ trưởng Thương mại Andrew Robb, Bộ trưởng Môi trường Greg Hunt, Bộ trưởng Nhập cư và Bảo vệ biên giới Peter Dutton.

Ông Turnbull nhấn mạnh: “Người dân Australia cần những hành động thực tế có sức thuyết phục, chứ không phải là những khẩu hiệu suông. Chính phủ Australia sẽ thổi một luồng gió mới vào nền kinh tế đất nước, qua một nội các biết tôn trọng ý nguyện của nhân dân, có khả năng ứng phó với các vấn đề phức tạp để đưa ra được quyết sách kịp thời và thích hợp”.

Ông Turnbull cho biết, ông dự định điều hành chính phủ đến hết nhiệm kỳ chứ không tổ chức bầu cử sớm và cam kết, chính phủ của ông sẽ là một chính phủ tự do hoàn toàn hướng tới từng cá nhân và nền kinh tế Australia.

“Chính phủ mới sẽ tập trung vào việc đảm bảo rằng, trong những năm tới, chúng ta có thể tận dụng được lợi thế khi thế giới trở nên cạnh tranh hơn và các cơ hội cũng nhiều hơn”. Theo ông Turnbull, Australia trong tương lai sẽ là một đất nước đầy sáng tạo, linh hoạt và luôn đổi mới.

Phát biểu sau cuộc cải tổ, tân Thủ tướng Turnbull tuyên bố nội các mới sẽ là nền tảng cho một “chính phủ của thế kỷ XXI” và là một “chính phủ cho tương lai” của Australia.

Chính sách mới

Từng là luật sư và doanh nhân, ông Turnbull hiện là một trong những chính trị gia giàu nhất Australia và lọt vào danh sách 200 người giàu nhất đất nước do tuần báo Business Review bình chọn. Theo giới quan sát ông Turnbull sẽ có sự thay đổi trong chính sách kinh tế theo hướng “tự do, độc lập”.

Ông nói: “Chúng ta phải thừa nhận rằng, những thay đổi lớn lao hiện nay phần lớn là nhờ công nghệ. Quyết tâm thay đổi sẽ là bạn đồng hành của chúng ta nếu chúng ta đủ linh hoạt và thông minh để tận dụng được điều đó”.

Về đối ngoại, các chuyên gia phân tích cho rằng, dưới sự lãnh đạo của ông Turnbull, Australia sẽ có những thay đổi tinh tế trong chính sách ngoại giao với Washington và Bắc Kinh.

Ông Turnbull nhấn mạnh đến sự xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ và nhận định Trung Quốc là chìa khóa cho sự tái cân bằng kinh tế, đem lại cơ hội khổng lồ cho giới doanh nhân Australia.

Trong khi ông Turnbull coi Trung Quốc là nhân tố đã làm thay đổi tình hình địa chính trị hiện nay, ông cũng đồng thời ca ngợi Mỹ là “yếu tố bảo đảm sự ổn định vô cùng quan trọng trong sự phát triển hòa bình tại khu vực”.

Trong phát biểu của mình ông Turnbull cũng không quên chỉ ra những hạn chế trong việc phản ứng của Washington với sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, rằng Mỹ cần phải phản ứng tốt hơn trước thách thức tại khu vực.

Mặc khác, ông Turnbull cũng chỉ trích cách thức ứng xử của Bắc Kinh và đòi hỏi “Trung Quốc cần minh bạch hơn về các mục đích của họ trong khu vực”. Ông tỏ ra nghi ngờ cam kết hòa bình của Trung Quốc đối với các đảo và bãi đá ngầm ở biển Đông.

Về các “điểm nóng” ở Trung Đông, ông Turnbull chủ trương cho phép Australia tham gia huấn luyện quân sự ở Iraq và mở rộng những cuộc không kích hỗ trợ chiến dịch của các lực lượng Iraq tấn công các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Ông Turnbull lập luận rằng: “Điều quan trọng là không đánh giá thấp về mối đe dọa an ninh quốc gia từ IS mà cũng không nên đánh giá quá cao mối đe dọa này. Chúng ta nên cẩn thận để không phát ngôn hay làm những điều gì có thể góp phần làm gia tăng ảo tưởng”.

Về an ninh khu vực, tân Thủ tướng Turnbull không đánh giá cao mối liên kết tình báo - quân sự giữa Mỹ - Australia với Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore… được thiết kế nhằm mục đích kiềm chế sức mạnh hải quân của Trung Quốc.

Ông đánh giá: “Việc bành trướng ở Biển Đông vừa tạo ra hậu quả của tác động ngược từ thứ mà Trung Quốc đang tìm kiếm… Quan điểm của tôi và của chính phủ là vì những lợi ích của chính mình, Trung Quốc cần phải dừng việc bành trướng ở khu vực và đó là lý do có sự chống lại hành động đó”.

Ông Turnbul cho rằng các quốc gia nhỏ trong khu vực ngày càng xích lại gần với Mỹ hơn là do cách hành xử của Trung Quốc. Tân Thủ tướng Australia còn tuyên bố Canberra cần có cách tiếp cận cân bằng và mang tính ngoại giao đối với Bắc Kinh.

Như vậy, cùng với nội các mới là những chính sách đối nội, đối ngoại được hứa hẹn có sự thay đổi theo hướng tự do, độc lập hơn, khiến chính giới và dư luận Australia đặt sự kỳ vọng vào vị tân Thủ tướng có thể làm cho Australia tiếp tục phát triển không chỉ về kinh tế mà còn ổn định về chính trị, xã hội và nâng cao vị thế ngoại giao.

Theo giới phân tích cũng giống như những người tiền nhiệm của mình, ông Turnbul sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược đưa Australia trở thành “cường quốc hạng trung” có vai trò và vị thế trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng những “lời hứa có cánh” từ vị Thủ tướng thứ 29 của Australia đến hiệu quả thực sự phát triển đất nước này trong thời gian tới, vẫn còn đang ở phía trước.

Nguyễn Nhâm

 

Australia: Tân thủ tướng, tân chính sách - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm