1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Australia đứng về Mỹ hay Trung Quốc nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông?

Quốc gia Châu Đại dương đang đứng giữa căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông và đã đến lúc phải lựa chọn nghiêng về bên nào.

Australia ngày 22/5 bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc xây dựng và củng cố các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh và các bên liên quan đảm bảo an ninh trong khu vực. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ có chuyến bay giám sát và chạm trán với Trung Quốc gần một bãi đá mà Trung Quốc đang cải tạo ở Biển Đông.

Australia đứng về Mỹ hay Trung Quốc nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông?
Ảnh cho thấy một đường băng được Trung Quốc xây dựng trái phép tại Bãi đá Chữ Thập ở Biển Đông. Tấm ảnh do máy bay của Hải quân Mỹ chụp lại. Chiếc máy bay này nhận được 8 cảnh báo từ phía quân đội Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Đây là lần thứ 2 trong tháng này, Australia lên tiếng phản ứng về những động thái của Trung Quốc gây căng thẳng ở vùng biển có tuyến hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng đi qua.

Tuy nhiên, Bloomberg dẫn lời chuyên gia Elbridge Colby, cựu quan chức quốc phòng Mỹ thì phản ứng của Australia với Trung Quốc “khá yếu ớt” và “chậm chạp”. Ông Colby cho rằng: rõ ràng có sự phân vân trong chính quyền của Thủ tướng Abbott, lựa chọn đứng về phía Mỹ hay Trung Quốc trong căng thẳng Biển Đông. Nhưng phía Mỹ sẽ nhất định không để Australia có sự trì hoãn quá lâu trong việc lựa chọn này.

Phân vân vì có lý do

Quan hệ Trung Quốc – Australia ngày càng gia tăng về lợi ích trong thời gian qua, kể từ thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm quốc gia Châu Đại dương ngày 17/11/2014.

Hiệp định thương mại tự do song phương được ký trong chuyến thăm này đã chính thức mở đường cho hơn 100 mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước được miễn thuế; khoảng 85% hàng hoá của Australia xuất khẩu sang Trung Quốc được miễn thuế hoàn toàn, các sản phẩm xuất khẩu khác sẽ lần lượt được giảm và miễn thuế trong vòng 10 năm tiếp theo.

Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia với 20% giá trị hàng nhập khẩu vào Australia có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong khi đó, 36% hàng xuất khẩu của Australia được xuất đi thị trường Trung Quốc. Giá trị thương mại song phương năm 2013 đạt khoảng 130 tỷ USD.

Việc Trung Quốc “mở toang” thị trường với Australia nhằm mục đích thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) với Australia, cạnh tranh với Washington trong chiến lược theo đuổi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP gồm 12 quốc gia thành viên, trong đó có Canbera nhưng không có Bắc Kinh.

Ông Tập Cận Bình đã dùng những lời lẽ “ngọt ngào nhất” dành cho Australia “chỉ cần hai nước cùng hướng đến những lợi ích lớn hơn cũng như những lợi ích lâu dài, Bắc Kinh và Canberra sẽ vượt qua các trở ngại, để phát triển quan hệ đối tác chiến lược gần gũi hơn và toàn diện hơn”.

Đến thời điểm vẫn phải lên tiếng

Sự im lặng của Australia trước việc Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông khiến đồng minh của Canberra là Mỹ hơi “giật mình”. Tuy nhiên, không để Bộ Ngoại giao Mỹ phải lên tiếng như hồi cuối năm 2012, đích thân Ngoại trưởng Mỹ là bà Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta (hồi đó) trong cuộc họp thượng đỉnh an ninh thường niên với hai người đồng cấp Australia Bob Carr và Stephen Smith; đã phải “nhắc khéo” đồng minh về quan điểm rõ ràng.

Mỹ gia tăng sức mạnh quân sự theo chiến lược xoay trục châu Á Thái Bình Dương. (Ảnh:
Mỹ gia tăng sức mạnh quân sự theo chiến lược xoay trục châu Á Thái Bình Dương. (Ảnh: USN)

Lần này, trước việc Trung Quốc xây trái phép các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa, và từng tuyên bố độc chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông, dẫn đến sự bức xúc của Việt Nam, Philippines, Malaysia… và thông tin về khả năng Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop hôm 11/5 bày tỏ quan điểm Australia sẽ theo dõi sát sao tranh chấp ở vùng biển này.

“Các nước ASEAN đã bàn vấn đề này, và tôi nghĩ họ đã nêu quan điểm rõ ràng, rằng họ quan ngại nếu có bất kỳ ý tưởng nào lập ADIZ trên biển Đông”. Bà Bishop nói.

Bà Bishop nói Australia không đứng về phe nào trong các cuộc tranh chấp lãnh hải: “Điều chúng tôi đề nghị với các nước là thương lượng hòa bình về bất kỳ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải nào”.

Australia hiện là đồng minh của Mỹ, ủng hộ chủ trương “xoay trục về châu Á” của chính phủ Mỹ. Dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia châu Đại dương này, nhưng bà Bishop chuyển đến Trung Quốc sự quan ngại nếu nước này đơn phương lập ADIZ trên Biển Đông.

Ngoài quan ngại chuyện ADIZ, ngày 22/5 Australia tiếp tục lên tiếng về việc Trung Quốc củng cố các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh và các bên liên quan đảm bảo an ninh trong khu vực. Đây là quan ngại được chính Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews nêu lên.

Sydney Morning Herald dẫn lời Bộ trưởng Andrews “Australia phản đối bất kỳ hành động đơn phương hay cưỡng ép nào trên Biển Đông và Biển Hoa Đông”. Hai vùng biển này là nơi Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với các nước Đông Nam Á và Nhật Bản.

Lựa chọn – muộn còn hơn không

Trang điện tử News.com.au dẫn lời cựu Ngoại trưởng Australia Bob Carr “Việc lựa chọn đứng về bên nào trong tranh chấp trên Biển Đông thực sự không đơn giản bởi thực tế đây là khu vực mà Australia không có lợi ích song trùng với Mỹ”. Trong khi không thể phủ nhận lợi ích chung giữa Australia với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại đang ngày một gia tăng.
 
Ông Carr nêu thực tế: Kể từ khi Mỹ phát động chiến lược xoay trục châu Á – Thái Bình Dương cách đây 4 năm, thực tế Washington hành động chưa nhiều trong việc triển khai chiến lược này. Mỹ thúc giục Australia tham gia hỗ trợ Nhật Bản trong việc bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (tranh chấp với Trung Quốc) trên biển Hoa Đông. Mỹ - Australia cũng tiến hành tập trận tàu chiến và máy bay tại Darwin (Vùng lãnh thổ Bắc Australia), mục đích ngăn chặn các cuộc tấn công từ Trung Quốc. Mọi việc vẫn chỉ dừng lại ở đấy.
Quân đội Australia và Trung Quốc trong một cuộc tập trận. (Ảnh:
Quân đội Australia và Trung Quốc trong một cuộc tập trận. (Ảnh: News.com.au)

Tuy nhiên theo ông Carr, căng thẳng Biển Đông chắc chắn không có lợi cho Australia vì gần một nửa giao dịch thương mại hàng hải của Australia đi qua Biển Đông. Chính phủ Australia yêu cầu tự do lưu thông cho tàu thuyền và máy bay của tất cả các nước qua khu vực này.

Theo báo cáo từ Bộ Quốc phòng Australia từ năm 2010 đến 2014, nhập khẩu vũ khí trong khu vực tăng 37% so với 5 năm trước đó. Tuy nhiên, theo ông, dù căng thẳng là không thể tránh khỏi, “cả Trung Quốc và Mỹ đều có lợi ích trong việc bảo vệ ổn định và an ninh khu vực”, ít nhất là vì mối quan hệ kinh tế giữa hai bên.

Bộ Quốc phòng Australia cũng cảnh báo về một môi trường an ninh “ngày càng thách thức” trong những năm tới và dự kiến sẽ công bố Chiến lược quốc phòng của Canberra vào tháng 7 hoặc tháng 8 tới đây. Trong đó đáng chú ý là quan điểm Australia trong mối quan hệ cân bằng với Mỹ và Trung Quốc, cũng như phân tích căng thẳng Mỹ - Trung ở những vùng biển trọng yếu.

Theo cựu Ngoại trưởng Carr, 2 tháng tới là thời điểm “cân não” với chính phủ của Thủ tướng Abbott. Australia sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc đặt các mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ lên bàn cân, cho dù thực tế Australia không muốn cô lập Trung Quốc để kết thân hơn với Mỹ và Nhật Bản.

“Chúng tôi muốn là bạn tốt với tất cả các nước láng giềng trong khu vực, bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản; và cả mối quan hệ đồng minh hết sức tốt đẹp với Mỹ. Nếu đạt được điều đó, chúng ta sẽ được sống trong một khu vực hòa bình để tất cả đều phát triển mạnh”, cựu Ngoại trưởng Carr nói./.
Theo Ngân Giang/VOV.VN