Hình ảnh công trường phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
Phóng viên VietNamNet đã ra Trường Sa tận mắt ghi lại hình ảnh các công trình trái phép TQ xây dựng ở Gạc Ma, Huy Gơ.
Theo chân đoàn công tác số 9 do Bộ TT&TT chủ trì đến cụm đảo Sinh Tồn trong hành trình "Đến với Trường Sa thân yêu 2015", phóng viên VietNamNet đã tận mắt chứng kiến các công trình TQ đang gấp rút xây dựng trái phép tại các bãi đá Huy Gơ và Gạc Ma.
Nằm trong cụm đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, VN), đá Huy Gơ còn được gọi với tên khác là đá Tư Nghĩa, cách Gạc Ma khoảng 15 hải lý theo hướng Đông Bắc, bị TQ chiếm giữ trái phép từ ngày 28/2/1988.
Ban đầu, đá Huy Gơ là một bãi san hô chìm, chỉ nổi lên một phần rất nhỏ khi thủy triều xuống. Sau khi chiếm giữ trái phép năm 1988, TQ đã xây dựng đá Huy Gơ thành một đảo chìm nhỏ với cấu trúc 1 nhà 2 tầng kiên cố.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2014, sau khi xây dựng mở rộng các đảo Gạc Ma, Xu Bi, Vành Khăn... TQ tiếp tục huy động một lượng lớn tàu vận tải và thiết bị xây dựng hiện đại để mở rộng bãi đá Huy Gơ ra tới hơn 6 héc ta.
Tàu trọng tải trên 30 ngàn tấn và hệ thống băng chuyền đưa vật liệu xây dựng từ tàu lên bờ cũng được TQ sử dụng.
Hải trình của đoàn công tác số 9 đi giữa cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, VN), ngang qua các bãi đá Huy Gơ và Gạc Ma đang bị TQ chiếm đóng trái phép.
Đứng từ đảo Sinh Tồn Đông, có thể nhìn thấy Huy Gơ ở khoảng cách rất gần.
Ngay khi tàu Trường Sa 571 đưa đoàn công tác số 9 đi ngang qua bãi đá Huy Gơ, phía TQ lập tức phát tín hiệu bộ đàm xua đuổi, đồng thời bắn pháo sáng cảnh cáo.
Từ khoảng cách vài hải lý vẫn có thể nhìn rõ các công trình xây dựng trái phép của TQ trên đá Huy Gơ đang được thi công ngày đêm, huy động tới 6 cần cẩu cùng hoạt động. Tất cả các công trình đều được sơn màu trắng nổi bật. Tàu vận tải hàng chục ngàn tấn được sử dụng để chở vật liệu ra đảo.
Ở phía cuối bên phải bãi đá, tháp quan sát không lưu đang được quây giàn giáo thi công và các đơn nguyên đã hoàn thiện, được trang bị các thiết bị radar, viễn thông trên nóc.
Tòa nhà trung tâm được xây theo cấu trúc đa giác với 5 tầng nổi, có cầu dẫn từ mặt đất lên tầng 2 để vận chuyển trang thiết bị hạng nặng. Mỗi góc tòa nhà là một hệ thống tháp chiến đấu, bố trí các lỗ châu mai ra tất cả các hướng xung quanh.
Các đơn nguyên liền kề vẫn đang được dựng giàn giáo để thi công. Vật liệu xây dựng liên tục được tầu vận tải chuyển lên bờ. TQ sử dụng công nghệ phụ gia bê tông đặc biệt để dùng nước biển trong quá trình trộn bê tông nên có thể thi công liên tục ngay cả trong mùa khô hạn ở Trường Sa.
Đầu còn lại của bãi đá, các khối bê tông đúc sẵn và nguyên vật liệu được sử dụng để tiếp tục tôn cao nền đá san hô, mở rộng đảo nhân tạo.
Sau khi ngang quá bãi đá Huy Gơ, tàu Trường Sa 571 của đoàn công tác số 9 tiếp tục hành trình khoảng 15 hải lý theo hướng Tây Nam đến đảo Cô Lin, ngang qua bãi đá Gạc Ma đang bị TQ chiếm đóng trái phép và xây dựng mở rộng.
Toàn cảnh các công trình xây dựng trái phép của TQ trên đảo Gạc Ma, bao gồm tòa nhà trung tâm cao 6 tầng, các tháp quan sát không lưu cùng các hệ thống cần cẩu, tầu vận tải hoạt động liên tục.
Tòa nhà 6 tầng được thiết kế với các tháp chiến đấu ở mỗi góc, bố trí lỗ châu mai phong tỏa khu vực xung quanh. Các đống vật liệu ngổn ngang cho thấy công việc xây dựng vẫn đang được tiến hành.
Đường dẫn đưa thiết bị trọng tải lớn lên tầng 2 khu nhà trung tâm cũng đã được hoàn thiện.
Phía trái đảo Gạc Ma, các tầu vận tải đang cập mạn để chuyển vật liệu lên bờ. Các cần cẩu, máy xúc, máy ủi liên tục hoạt động.
Hệ thống tháp trộn bê tông nằm giữa các đơn nguyên nhà độc lập, sử dụng công nghệ trộn bê tông bằng nước biển.
Nhìn bằng mắt thường từ đảo Cô Lin từ khoảng cách 3 hải lý, có thể thấy rõ các công trình xây dựng mở rộng trái phép của TQ trên đảo Gạc Ma.