1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Australia đầu tư hàng tỷ USD cho cơ sở hạ tầng hải quân

CTV

(Dân trí) - Australia sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào hệ thống bến cảng, xưởng đóng tàu và nhà máy (cả trong nước và tại Anh) để phục vụ cho việc chế tạo và vận hành tàu ngầm hạt nhân theo khuôn khổ thỏa thuận AUKUS.

Australia đầu tư hàng tỷ USD cho cơ sở hạ tầng hải quân - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles trao đổi Hiệp ước Phòng thủ tại Quốc hội ở Canberra, Australia ngày 21/3 (Ảnh: Reuters).

Cùng với thông báo trên, Australia đã nêu tên hãng BAE Systems của Anh là bên hỗ trợ chế tạo các tàu ngầm mới của nước này.

Theo thỏa thuận AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ, Australia sẽ mua tới 5 tàu ngầm hạt nhân của Mỹ vào đầu những năm 2030. Sau đó, Australia sẽ cùng Anh chế tạo và vận hành một lớp tàu ngầm mới có tên SSN-AUKUS trong thập niên tiếp theo.

Hiệp ước trên sẽ biến Australia trở thành quốc gia thứ bảy vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng cũng đồng thời gây áp lực lên các nhà máy đóng tàu ở Anh và Mỹ vốn đang gặp tình trạng chậm tiến độ và đội chi phí.

Nhằm giúp giảm bớt căng thẳng, Australia sẽ cung cấp cho Anh 2,4 tỷ bảng Anh (3,1 tỷ USD) để thiết kế SSN-AUKUS với trang bị vũ khí thông thường và để mở rộng Rolls-Royce - nhà máy chuyên chế tạo lò phản ứng hạt nhân cho tàu ngầm.

Trước đó, do lo ngại các đơn hàng tồn đọng có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận, Australia đã đồng ý đầu tư 3 tỷ USD vào các nhà máy đóng tàu của Mỹ, nơi đóng các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia sẽ được bán cho họ vào đầu thập niên tới.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết trong một tuyên bố hôm 21/3 rằng: "AUKUS tạo điều kiện cho ngành công nghiệp Australia đầu tư nhiều hơn vào ở đây, đồng thời cũng mở ra những cơ hội mới cho các đối tác Anh và Mỹ của chúng tôi".

Australia cũng sẽ đầu tư 1.5 tỷ đô la Australia (993 triệu USD) để chuẩn bị một căn cứ hải quân ở phía tây nước này cho các tàu ngầm hạt nhân. Đặc biệt, một lực lượng của Mỹ và Anh sẽ đóng quân một phần tại đó mỗi năm, bắt đầu từ năm 2027. Tổng chi phí của kế hoạch ước tính khoảng 8 tỷ đô la Australia.

Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Australia và Anh đã chính thức khởi động các khoản đầu tư trên trong một cuộc họp báo chung được tổ chức hôm 22/3 tại các xưởng đóng tàu ở Nam Australia - nơi Australia sẽ đóng hạm đội AUKUS.

Ngoài ra, Australia cho biết công ty BAE Systems của Anh đã được lựa chọn để đóng các tàu ngầm ở Nam Australia với sự hợp tác của công ty hải quân địa phương ASC. Công việc dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối thập kỷ này, sau khi các cơ sở đóng tàu mới trị giá ít nhất 2 tỷ đô la Australia được hoàn thành.

Khi các tàu ngầm đã xuống nước, ASC sẽ xử lý việc bảo trì và hậu cần. Bên cạnh đó, công ty chế tạo và bảo trì đội tàu lớp Collins chạy bằng diesel của Australia chưa được xác định sẽ hợp tác với công ty Mỹ và Anh nào.

Các tàu ngầm SSN-AUKUS sẽ được chế tạo tại Anh. BAE đã giành được hợp đồng trị giá 4 tỷ bảng Anh (5,1 tỷ USD) vào tháng 10 năm ngoái để bắt đầu công việc thiết kế và xây dựng cơ sở hạ tầng tại xưởng đóng tàu ở Barrow-in-Furness.

Do tàu ngầm hạt nhân đòi hỏi lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, BAE và ASC sẽ hợp tác thành lập một trung tâm kỹ năng chung ở Nam Australia để tiến hành đào tạo nhân công.

Dự kiến, vào năm tới, Australia sẽ cử khoảng 100 nhân sự của ASC đến Trân Châu Cảng (Hawaii, Mỹ) để tham gia huấn luyện tại cơ sở hải quân của Mỹ.

Tố Uyên

Theo Reuters