1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Australia chi 761 triệu USD cùng Mỹ chế tạo tên lửa

Đức Hoàng

(Dân trí) - Australia chi khoảng 761 triệu USD nhằm hợp tác với Mỹ để chế tạo các tên lửa dẫn đường mới, động thái được xem nhằm đối phó với mối lo ngại từ Trung Quốc ngày càng gia tăng trong khu vực.

Australia chi 761 triệu USD cùng Mỹ chế tạo tên lửa - 1

Thủ tướng Australia Scott Morrison (Ảnh: Reuters).

Australia ngày 31/3 thông báo sẽ bắt đầu chế tạo tên lửa dẫn đường riêng trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Mỹ, động thái nhằm giúp Canberra nâng cao năng lực quốc phòng.

Thông tin được công bố trong bối cảnh các nước phương Tây trong thời gian qua rất quan ngại về năng lực quân sự phát triển và các hành động của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng vì "môi trường toàn cầu thay đổi", nên họ sẽ hợp tác với các nhà sản xuất vũ khí để chế tạo các tên lửa tối tân. Ông Morrison cho biết, Australia ban đầu sẽ đầu tư 761 triệu USD vào chương trình, vốn nằm trong kế hoạch đầu tư khổng lồ kéo dài 10 năm của Canberra vào ngành công nghiệp quốc phòng.

Trong hàng chục năm qua, Australia chưa sản xuất bất cứ tên lửa hiện đại nào, mà họ chủ yếu dựa vào việc nhập khẩu từ các đồng minh, trong đó Mỹ. Australia hiện đang chế tạo một rocket mồi nhử chống lại các tên lửa tấn công.

Chuyên gia Michael Shoebridge từ viện Chính sách chiến lược Australia nhận định, các hành động của Trung Quốc ở khu vực đang gây làm gia tăng lo ngại đối với Canberra.

Ông Shoebridge cho rằng, nhu cầu cấp thiết nhất của Australia lúc này là tên lửa chống hạm tầm xa có thể phóng đi từ chiến hạm hoặc máy bay quân sự. Ngoài ra, ông cho rằng các phương tiện chiến đấu lục quân cũng cần gia tăng năng lực tên lửa.

Ông Shoebridge cho rằng viễn cảnh Australia sẽ hợp tác với Mỹ chế tạo tên lửa siêu thanh mới là "hợp lý".

Trước thông báo hôm nay của chính phủ Canberra, viện Chính sách chiến lược Australia từng ước tính nước này sẽ cần phải chi ít nhất 76 tỷ USD trong 20 năm tới để mua tên lửa và vũ khí dẫn đường.

Ông Shoebridge cho rằng các tên lửa nội địa sẽ giúp gia tăng năng lực răn đe quân sự trong thập niên này, giữa lúc Australia đang đóng hàng loạt khu trục hạm và tàu ngầm lớp tấn công mới. Kế hoạch của Canberra cũng phù hợp với chiến lược Mỹ công bố trước đó về việc phân tán các lực lượng và năng lực quân sự ra khắp khu vực để các địa điểm chủ chốt không trở thành mục tiêu "dễ tổn thương" nếu xảy ra xung đột.