1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Australia bỏ chương trình "thị thực vàng" gây tranh cãi

Đức Hoàng

(Dân trí) - Australia đã bỏ chương trình "thị thực vàng", vốn cho phép các nhà đầu tư nước ngoài giàu có được cơ hội cư trú, khi Canberra muốn thu hút những người có tay nghề, tài năng.

Australia bỏ chương trình thị thực vàng gây tranh cãi - 1

Phần lớn người nộp hồ sơ chương trình "thị thực vàng" của Australia trong những năm qua là người Trung Quốc (Ảnh minh họa: Straits Times).

Straits Times đưa tin, Bộ trưởng Nội vụ Australia Clare O'Neil cho biết nước này đã bỏ chương trình "thị thực vàng". Đây từng là cơ chế nhằm cấp cơ hội cư trú cho những người sẵn sàng đầu tư ít nhất 5 triệu AUD (3,3 triệu USD) vào Australia.

Những người nộp đơn xin thị thực theo dạng này không cần biết nói tiếng Anh và có thể ở mọi lứa tuổi, không giống như hầu hết các loại thị thực khác mà Australia cung cấp.

"Thị thực vàng" cho phép người nộp đơn và các thành viên gia đình của họ sống ở Australia tới 5 năm và có khả năng nộp đơn xin cư trú dài hạn.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lời kêu gọi hủy bỏ chương trình này vì lo ngại rằng các nhà đầu tư giàu có không mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế như những người di cư có tay nghề cao, cũng như lo ngại về rủi ro mà chương trình này cho phép người nộp thị thực rửa tiền hoặc chuyển tiền bất chính ra nước ngoài.

Bộ trưởng O'Neil cho biết, bà tin rằng cơ chế "thị thực vàng" bản chất là mua suất để vào Australia. Bà xác nhận Australia sẽ bỏ chương trình này.

"Rõ ràng trong nhiều năm là loại thị thực này không mang lại điều mà đất nước và nền kinh tế của chúng ta cần từ một hệ thống di cư", bà nhấn mạnh.

Phó giáo sư Anna Boucher từ Đại học Sydney, một chuyên gia về chính sách di cư của Australia, nói với Straits Times rằng quyết định hủy bỏ chương trình "thị thực vàng" không phải là một cuộc tấn công vào những người di cư giàu có mà là một nỗ lực tập trung vào lợi ích lâu dài của hoạt động di cư.

Bà cho biết, mặc dù các nhà đầu tư có thể mang lại sự thúc đẩy ngắn hạn cho nền kinh tế nhưng những người di cư có tay nghề có xu hướng trẻ hơn, được giáo dục tốt và mang lại lợi ích lâu dài hơn, chẳng hạn như giảm sự phụ thuộc vào phúc lợi hoặc hệ thống y tế.

Tất nhiên, bà lưu ý, những người di cư có tay nghề cũng giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động và kỹ năng.

Từ năm 2012, khi chương trình bắt đầu và đến năm 2020, 2.349 "thị thực vàng" đã được cấp, trong đó khoảng 85% dành cho người nộp đơn từ Trung Quốc.

Kể từ năm 2012, chương trình thị thực đã mang lại khoảng 12 tỷ AUD. Nhưng Viện Grattan, một tổ chức tư vấn chính sách, đã phát hiện ra rằng những người có "thị thực vàng" khiến mỗi người nộp thuế phải trả 120.000 AUD trong suốt đời. Lý do là nhu cầu của những người có "thị thực vàng" về việc sử dụng dịch vụ công lớn hơn số tiền họ phải đóng thuế.

Ngược lại, một người lao động có tay nghề trung bình mang lại lợi ích ròng là 198.000 AUD cho Australia trong suốt cuộc đời của họ.

Chuyên gia Brendan Coates cho biết ông ủng hộ quyết định loại bỏ "thị thực vàng", đồng thời nói thêm rằng điều này sẽ cho phép chính phủ thu hút nhiều người di cư có tay nghề cao hơn.

Theo Straits Times