1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Âu-Mỹ chung tay chống khủng bố

Tờ Dagbladet của Na Uy cảnh báo, 272 tên khủng bố đã lọt vào châu Âu và âm mưu tấn công liều chết, trong khi khoảng 150 tên khác tìm cách đến châu lục này.

Ngày 26-12, Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ vừa được tạp chí Time bình chọn là người đứng thứ hai trong danh sách "Nhân vật của năm", và đứng đầu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho rằng, IS đang lớn mạnh bất chấp các cuộc không kích của Nga và liên quân do Mỹ đứng đầu tại Syria đã phá hủy các cơ sở lọc dầu và một số lãnh đạo bị tiêu diệt.

Abu Bakr al-Baghdadi còn kêu gọi tất cả người Hồi giáo tham gia cuộc chiến đáp trả liên quân chống khủng bố gồm 34 thành viên sẽ đặt trụ sở tại thủ đô Riyadh.

Cùng ngày 26-12, cảnh sát Áo thông báo, đã tăng cường an ninh ở thủ đô Vienna và các thành phố khác sau khi nhận được cảnh báo về các vụ tấn công tiềm tàng trong thời gian nghỉ năm mới.

Âu-Mỹ chung tay chống khủng bố - 1

Cảnh sát Pháp tuần tra.

Cũng trong ngày 26-12, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, Liên minh châu Âu (EU) phải tăng cường kiểm soát các khu vực biên giới của khối này để đề phòng IS. Bởi các phần tử IS đã sở hữu nhiều hộ chiếu Syria giả và đang tìm cách vào châu Âu. Và lực lượng cảnh sát Đức đang truy nã 12 đối tượng sử dụng hộ chiếu Syria giả để thâm nhập nước này sau đó "biến mất". Số hộ chiếu Syria giả này giống với loại hộ chiếu 2 kẻ tấn công Paris đã sử dụng.

Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex) từng cảnh báo, IS đã chiếm được rất nhiều phôi hộ chiếu trắng ở Syria, Iraq và Libya và với số hộ chiếu này chúng có thể xâm nhập vào châu Âu một cách khó kiểm soát.

Trong khi đó, giới chức an ninh và cảnh sát Pháp cho biết, kẻ chủ mưu vụ tấn công Paris tối 13-11 Abdelhamid Abaaoud từng đến Anh bằng hộ chiếu giả trước khi tiến hành các vụ khủng bố và hắn từng trốn trong bụi cây tới 4 ngày sau vụ khủng bố kể trên.

Trước đó (22-12), cảnh sát Bỉ đã bắt 1 người đàn ông bị tình nghi liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris tối 13-11 và tính đến nay Bỉ đã bắt 9 đối tượng tình nghi liên quan đến vụ việc này. Cảnh sát chống khủng bố Pháp cũng vừa bắt một phụ nữ do nghi ngờ mang thai giả - giấu bom tấn công tự sát tại thành phố Montpellier.

Ngày 22-12, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết, nước này đã ngăn chặn được 10 âm mưu khủng bố trong năm 2015. Thủ tướng Manuel Valls cho biết, hơn 1.000 người đã rời Pháp để gia nhập lực lượng thánh chiến tại Syria và Iraq, và 250 người đã trở về quê hương. Và đây là nguy cơ khủng bố cần đề phòng. Và để tăng cường chống khủng bố có hiệu quả, Chính phủ Pháp đã công bố (23-12) một loạt đề xuất sửa đổi Hiến pháp.

Theo đó, tăng các quyền đặc biệt của cảnh sát trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp, và tước quốc tịch Pháp của những công dân có 2 quốc tịch bị kết án khủng bố. Và các phiên tranh luận về sửa đổi Hiến pháp sẽ diễn ra tại lưỡng viện Pháp từ ngày 3-2-2016.

Ngày 22-12, tại buổi họp báo cuối năm, Ngoại trưởng Italia Angelino Alfano thông báo, trong năm 2015 nước này đã trục xuất 64 phần tử cực đoan Hồi giáo và giám sát 90 tay súng nước ngoài. Đây là một phần trong các biện pháp tăng cường nhằm ngăn chặn các vụ tấn công xảy ra trong lãnh thổ Italia. Thủ tướng Anh David Cameron vừa ủng hộ việc xem xét lại đạo luật về quyền sử dụng vũ khí của cảnh sát - nhân viên thực thi pháp luật phải được quyền bắn hạ ngay tại chỗ những đối tượng tình nghi khủng bố, thay vì những hạn chế trong quy định hiện hành.

Âu-Mỹ chung tay chống khủng bố - 2

IS huấn luyện trẻ em thành chiến binh.

Tờ Dagbladet của Na Uy cảnh báo, 272 tên khủng bố đã lọt vào châu Âu và âm mưu tấn công liều chết, trong khi khoảng 150 tên khác tìm cách đến châu lục này. Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) vừa thông báo, hơn 1 triệu người di cư và tị nạn đã tới Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2015 và bọn buôn người kiếm được hơn 1 tỷ USD nhờ vấn nạn này.

Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW ở Mỹ) vừa công bố bản đồ cảnh báo về nguy cơ IS sẽ tiến hành cuộc "thánh chiến" tại các nước châu Âu. Và những diễn biến thời gian qua càng củng cố giả thuyết của ISW là có cơ sở. Trong khi đó, tờ The Washington Post cảnh báo, hệ thống giám sát dân di cư của Mỹ quá tồi tệ khi chấp nhận hàng ngàn phần tử khủng bố hoặc liên quan đến khủng bố vào nước Mỹ, và số người bị tình nghi khủng bố được vào Mỹ gấp 4 lần so với con số bị ngăn chặn.

Đại học Tổng hợp George Washington khuyến cáo, IS đã nhận sự hỗ trợ "chưa từng thấy" từ Mỹ và 50 bang của nước này đang tiến hành 900 cuộc điều tra về các cá nhân hỗ trợ IS. Được biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc việc tăng cường các cuộc tấn công mạng nhằm vào IS để ngăn chặn các hoạt động trên không gian mạng của tổ chức khủng bố này.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power vừa cho biết, Tổng thống Barack Obama sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng người tị nạn toàn cầu trong năm 2016 tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Theo Trọng Hậu

Cảnh sát toàn cầu