1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

ASEAN trước sức mạnh kinh tế của Trung Quốc

Mạng Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ (IDRW) ngày 10/8 đăng bài viết của tác giả Ananth Krishnan phân tích về những diễn biến mới trong giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Nội dung chính như sau:

Hội nghị thường niên Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) hồi tuần trước đã bị lu mờ bởi những lo ngại trong khu vực về các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Tuyên bố chung của Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN đã chỉ trích các hành động xây dựng gần đây (của Trung Quốc) ở Biển Đông - được biết đến như một "Vạn lý Trường thành trên cát", nỗ lực lớn của Bắc Kinh để cải tạo đất và xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo tranh chấp mà các quốc gia trong khu vực lo ngại đó là các căn cứ hải quân, và nhấn mạnh hành động này của Trung Quốc đã "gây mất lòng tin và sự tin cậy".

ASEAN trước sức mạnh kinh tế của Trung Quốc - 1

Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các quốc gia ASEAN thường không đạt được sự đồng thuận khi đối phó với "Con rồng Trung Quốc". Điều này cũng là dễ hiểu vì các quốc gia thành viên ASEAN rất khác nhau trong mối quan hệ với Trung Quốc. Việt Nam và Philippines hiện là hai quốc gia có mối quan hệ căng thẳng nhất với Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tám thành viên còn lại của ASEAN đang hướng tới sự tăng cường hội nhập kinh tế ngày càng tăng với Trung Quốc nên không hỗ trợ gì nhiều cho Hà Nội và Manila.

Làm thế nào để một khu vực vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc có thể đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng về chính trị? Đó là câu hỏi được các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, nhà báo từ các nước ASEAN tranh luận tại một cuộc hội thảo ở Jakarta do Quỹ Nhật Bản tổ chức.

Hội thảo đã rút ra ba vấn đề cơ bản sau:

Một là, có một cảm nhận mạnh mẽ rằng ASEAN đã bắt đầu thể hiện sức mạnh của mình. Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành trong năm tới sẽ nới lỏng hoặc thậm chí xóa bỏ các rào cản thương mại và tạo ra sức sống mới cho khu vực, đồng thời nổi lên như một điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu với hơn 600 triệu dân và GDP trên 2 nghìn tỷ USD. Hội nhập kinh tế được hy vọng sẽ giúp hàn gắn những chia rẽ về lịch sử trong khối ASEAN.

Hai là, trong khi bị chỉ trích "bắt nạt" các nước trong khu vực và tiến hành hoạt động cải tạo đất ở các đảo tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc đã rất thành công khi ve vãn về kinh tế đối với các nước trong khu vực. Sáng kiến "Con đường tơ lụa trên biển" được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố trong chuyến thăm Indonesia năm 2013 đang được củng cố bởi gọng kìm kinh tế của Trung Quốc đối với khu vực. Khi Trung Quốc tung ra 40 tỷ USD để hỗ trợ các dự án hàng hải trong khu vực, hướng tới sự kết nối cơ sở hạ tầng, không quá khó để hiểu lý do tại sao Philippines không được hậu thuẫn mạnh mẽ từ các quốc gia ASEAN trong tranh chấp với Trung Quốc.

ASEAN trước sức mạnh kinh tế của Trung Quốc - 2

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thái Lan đã mở cửa cho đầu tư Trung Quốc vào trong các lĩnh vực xây dựng tàu cao tốc, Malaysia và Indonesia đều có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh và tất cả họ đều không muốn mối quan hệ với Trung Quốc xấu đi. Trung Quốc nhận thức rõ điều này. Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Kuala Lumpur vừa qua đã bảo vệ các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông và đưa ra đường lối cứng rắn với Philippines. Chiến lược này có vẻ như đang được triển khai.

Ba là, ở Ấn Độ xuất hiện cảm giác bất an khi Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế thống trị khu vực châu Á và đang thúc đẩy quan hệ chặt chẽ với các cường quốc khác trên thế giới. Giáo sư Isami Takeda tại Đại học Dokkyo ở Tokyo, chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản về ASEAN, nói: "ASEAN hiểu được rằng họ cần phải cân bằng trong quan hệ với các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ".

Ông Takeda cho rằng Tokyo nhận thức được điều này và trong hơn một năm qua, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế và hợp tác an ninh với một số nước ASEAN. Về phần mình, Mỹ đã bù đắp những gì mà các quốc gia ASEAN mô tả là "một thập kỷ mất mát" thông qua chiến lược "tái cân bằng", trong bối cảnh sự tập trung của Washington ở những nơi khác đã và đang tạo cơ hội cho Trung Quốc khẳng định vị trí như cường quốc kinh tế thống trị khu vực.

Mặc dù chính sách "Hướng Đông" của Ấn Độ đã được nâng cấp lên thành "Hành động phía Đông" dưới thời Thủ tướng Modi nhưng có một sự thừa nhận rộng rãi ở Jakarta rằng New Delhi đã làm ngơ trước một khu vực đang ngày càng trở thành một đối tác thương mại quan trọng.

Theo TTK

baotintuc.vn

ASEAN trước sức mạnh kinh tế của Trung Quốc - 3