1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

ASEAN cam kết thúc đẩy an ninh, hòa bình khu vực

(Dân trí) - Trong ngày làm việc chính thức đầu tiên của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan, các nước thành viên đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy an ninh và hòa bình khu vực đồng thời đẩy mạnh triển khai hiệp ước phi hạt nhân ASEAN.

 
ASEAN cam kết thúc đẩy an ninh, hòa bình khu vực - 1
Các Ngoại trưởng ASEAN chụp ảnh chung trước Hội nghị Cộng đồng Chính Trị - An ninh ASEAN lần thứ 4 chiều 19/7/2010. (Ảnh Reuters)
 

Các hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 (AMM-43) và các Hội nghị liên quan đã diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia Hà Nội vào chiều nay, 19/7/2010, bắt đầu bằng Hội nghị Hội đồng chính trị và An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 4 và Hội nghị Ủy ban về Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã chủ trì các hội nghị này.

 

Tại Hội nghị APSC lần thứ 4, các bộ trưởng đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy và phát huy vai trò của các công cụ đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực ASEAN, như hiệp ước Đối tác và thân thiện (TAC), Hiệp ước SEANWFZ, Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF - hội nghị an ninh thường niên lớn nhất châu Á).

 

Đáng chú ý, các bộ trưởng nhất trí tạo điều kiện để EU/EC có thể tham gia Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện (TAC). Các đây 1 năm, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ký Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện bước ngoặt với các nước ASEAN tại Phuket, Thái Lan, trong một động thái khẳng định Mỹ mong muốn trở lại châu Á và đóng một vai trò an ninh - chiến lược lớn hơn ở khu vực này. Dự kiến Ngoại trưởng Mỹ Clinton sẽ tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) trong khuôn khổ các hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần này tại Hà Nội. Đây là chuyến công du lần thứ tư của bà đến khu vực Đông Nam Á.

 

Trong khi đó, tại Hội nghị về SEANWFZ, các bộ trưởng đã nhất trí tiếp tục đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động tăng cường Hiệp ước SEANWFZ, như tích cực tham vấn và thúc đẩy sự ủng hộ của các quốc gia có vũ khí hạt nhân đối với Hiệp ước này. Hội nghị đã nhất trí bầu Indonesia làm chủ tịch Ủy ban SEANWFZ kể từ tháng 1/2011.

 

Phan Anh

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm