1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ariel Sharon – Chính trị gia đầy mâu thuẫn

Ông Sharon được coi là một chính trị gia đầy mâu thuẫn, nhiều kẻ ưa, nhưng cũng lắm người ghét. Nhiều người Israel coi ông Sharon như là một “thủ lĩnh mạnh mẽ trong cuộc chiến chống khủng bố”. Trong khi đa phần cộng đồng người Arập - Palestine coi ông là... kẻ thù.

Sau khi ông Ariel Sharon lên nắm chiếc ghế Thủ tướng Israel vào năm 2001, nhiều người đã đánh giá tiến trình hòa bình Trung Đông gần như sẽ không có cơ hội trở thành hiện thực. Và quả thật thực như vậy. Nhưng trong thời gian gần đây, ông Sharon lại có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình qua kế hoạch rút quân và mới đây nhất là giải tỏa các khu định cư Do Thái tại dải Gaza.

 

Ông Ariel Sharon ra đời trong một gia đình mang họ Scheinermann, có nguồn gốc từ nước Nga. Cha mẹ ông Sharon đã di cư sang Palestine vào năm 1922. Năm Sharon tròn 20 tuổi thì nổ ra cuộc chiến Arập-Israel đầu tiên. Chính sách tổng động viên của chính phủ đã khiến Ariel Sharon không còn sự lựa chọn nào khác là gia nhập quân đội.

 

Tại một trong những trận đánh ác liệt nhất của chiến tranh gần Jerusalem, Sharon bị thương nặng và được đưa về hậu phương. Chữa trị xong vết thương, Sharon đã dự định quay trở lại học tập, nhưng rồi quyết định của cấp trên đã khiến ông phải trở lại quân ngũ. Từ thời điểm đó, cuộc sống tiếp theo của Sharon đã trở thành một trận đánh lớn không bao giờ kết thúc.

 

Thăng tiến nhờ những trận chiến

 

Học thuyết quân sự của quốc gia Do Thái khi mới thành lập gần như được viết từ trang đầu tiên, và viên sĩ quan trẻ Sharon luôn có khát vọng trở thành một trong những đồng tác giả của nó. Lữ đoàn 101 do Sharon chỉ huy đã có được một chiến thuật mới đấu tranh có hiệu quả chống lại những nhóm cực đoan Palestine - thường tấn công Israel từ lãnh thổ quốc gia láng giềng Jordan.

 

Dù có phần thô thiển, nhưng nền tảng cho học thuyết của Sharon chính là nguyên tắc của những trò đánh lộn trên đường phố. Nguyên tắc thứ hai trong học thuyết này gọi là “sự trừng phạt không thể tránh khỏi”, có thể nói đơn giản là “ăn miếng trả miếng”. Và học thuyết đó của ông đến nay vẫn còn tác dụng mỗi khi các tổ chức cực đoan Palestine tấn công người Israel thì ngay lập tức là một cuộc trả đũa.

 

Quân đội Israel dưới sự lãnh đạo của Sharon (năm 1982 đã là Bộ trưởng Quốc phòng) lại đột nhập vào lãnh thổ Li-băng để tiến hành một chiến dịch thanh trừng chống lại các tay súng của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

 

Sau những đợt đột kích thần tốc, quân Israel đã vào đến tận Beirut. Nhưng đối với công luận quốc tế, “thắng lợi” trên chỉ được nhớ tới như một thảm kịch. Các trại tị nạn của người Palestine tại Sabra và Shatila đã trở thành một biển máu thực sự, khi liên quân Israel với các nhóm vũ trang Thiên Chúa giáo Li-băng tràn vào. Hậu quả là có tới vài ngàn người bị sát hại.

 

Người Palestine đã buộc tất cả tội cho Sharon, khi khẳng định ông ta đã không ngăn chặn nó dù đã biết trước được kế hoạch tàn sát này.  Người hùng của quân đội Israel đã bị cả thế giới người Arập căm ghét.

 

Trong ba cuộc chiến năm 1956, 1967 và 1973, các đơn vị dưới sự chỉ huy của ông Sharon đã lần lượt đánh bại những đội quân mạnh nhất của Ai Cập và Syria. Cụ thể như hồi năm 1956, chiến đoàn dù của Sharon đã đảm trách thành công mũi đột phá quyết định của quân đội Israel vào Sinai. Trong thời điểm cuộc chiến 6 ngày năm 1967, Lữ đoàn tăng của Sharon đã đột phá thành công điểm phòng ngự chính Abu-Geil của Ai Cập. Và cuối cùng, chính ông là người đã cứu Israel khỏi một thất bại trong cuộc chiến năm 1973. Chiến thắng của Israel hồi năm 1973 đã trở thành một chiến công lớn nhất trong đời chỉ huy quân sự của Sharon.

 

Dù phải thừa nhận tài năng điều hành quân sự của Sharon, giới lãnh đạo quân đội từ lâu đã phải chịu đựng cái tính cách nóng nảy, bướng bỉnh và không hề biết nhượng bộ của ông. Những kẻ ghen ghét Sharon trong giới lãnh đạo quân đội vẫn tìm mọi cơ hội để bắt ông ta phải từ chức. Nhưng chính điều này đã mở ra cho Sharon con đường đi đến sân khấu chính trị lớn của Israel. Từ thời điểm đó, Sharon bước vào một giai đoạn không hề kém phần gay cấn - thời kỳ của những "trận chiến" chính trị.

 

Chính trị gia bậc thầy về biểu cảm và cử chỉ

 

Rời quân ngũ, Sharon cho thành lập đảng cánh hữu Likud và dẫn dắt nó thành một trong hai đảng phái có ảnh hưởng nhất trên chính trường Israel. Nổi tiếng là “diều hâu” trong chiến tranh, Sharon cũng tỏ ra không kém trong chính trị - đã công khai chống lại các Hiệp ước Hòa bình với Ai Cập (năm 1982), Palestine (1993) và Jordan (1994), tiếp đó là việc đơn phương xây dựng bức tường an ninh giữa hai cộng đồng Palestine và Israel.

 

Chính trị gia Sharon luôn cố gắng thể hiện rõ ràng quan điểm của mình qua từng cử chỉ khi xuất hiện trước công chúng. Một trong những ví dụ cụ thể nhất là ông luôn thể hiện thái độ không muốn hợp tác với Tổng thống Palestine Yasser Arafat. Tóm lại ông Sharon đã cố tình coi thủ lĩnh Palestine là người không thể đứng ngang hàng với mình trên bàn đối thoại chính trị.

 

Nhân vật của những bê bối

 

Có vẻ như uy tín của một quân nhân nổi tiếng và một chính trị gia cương quyết sẽ là một chiếc “áo chống đạn” hữu hiệu của ông Sharon, nhưng điều đó không đúng. 

 

Một trong những vụ bê bối gần đây của ông Sharon có liên quan đến cậu quý tử Gilad và thương gia nổi tiếng David Appel của Israel. Cụ thể là Appel đã tung tiền để mua chuộc gia đình Sharon, cho cậu con trai Gilad vào làm tại công ty của ông ta với mức lương cao ngất trời để nhờ tác động giúp cho một dự án về du lịch. Ngoài vụ Appel, ông Sharon còn bị cáo buộc có dính líu tới việc thu thập trái phép các khoản tiền đóng góp từ nước ngoài cho chiến dịch tranh cử của mình hồi năm 1999. 

 

Không chỉ có chuyện kinh tế, những nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình gần đây của ông Sharon đã gặp phải những phản ứng gay gắt tại Israel, nhất là việc đơn phương rút quân đội Israel ra khỏi dải Gaza. Tuy nhiên, ông cũng đã vượt qua đợt bỏ phiếu bất tín nhiệm của đảng Likud cuối tháng 9/2005.

 

Theo Đ.L

An ninh thế giới