1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Áp lực học đường và hệ lụy học sinh tự tử gia tăng ở Trung Quốc

(Dân trí) - Vấn đề tự tử học đường ở Trung Quốc dường như đang ở ngưỡng báo động khi ngày càng nhiều học sinh lựa chọn cái chết khi tuổi đời còn quá trẻ vì nhiều nguyên nhân, trong đó áp lực từ nhà trường, gia đình và các mối quan hệ xã hội được cho là các nguyên nhân tiêu biểu.


Áp lực từ gia đình, nhà trường, các mối quan hệ xã hội phần nào góp phần vào ý định tự tử của nhiều học sinh Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Áp lực từ gia đình, nhà trường, các mối quan hệ xã hội phần nào góp phần vào ý định tự tử của nhiều học sinh Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 có trụ sở tại Trung Quốc, Bắc Kinh dường như đang phải đối mặt với vấn nạn tự tử học đường ngày càng gia tăng. Tổ chức này cũng đang hối thúc chính phủ Trung Quốc sớm công bố những thống kê và số thiệu cụ thể về tình trạng tự tử ở học sinh để họ có thể đưa ra một bức tranh toàn cảnh, bao gồm những nghiên cứu đánh giá yếu tố nào dẫn đến tình trạng nêu trên.

Giám đốc viện nghiên cứu Yang Dongping nhận định: “Đây là một vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta không thể làm ngơ”. Tổ chức này cũng đã công bố báo cáo mang tên “Niên giám phát triển giáo dục Trung Quốc”, trong đó đăng tải những nghiên cứu về tình trạng tự tử học đường dựa vào những số liệu họ thu thập được trên mạng Internet cũng như mạng xã hội. Theo đó, họ đã nghiên cứu 392 trường hợp các em học sinh tự tử hoặc cố gắng tự tử trong khoảng thời gian tháng 10/2016 tới tháng 9/2017.

Báo cáo cho thấy số lượng các vụ tự tử có dấu hiệu giảm hơn hẳn vào thời điểm nghỉ hè và nghỉ đông khi so sánh với các khoảng thời gian khác và con số này có dấu hiệu tăng lên vào tuần đầu nhập học, khi học sinh bắt đầu các kỳ thi xếp loại học lực. “Điều này thực sự gây nên áp lực rất lớn lên các học sinh”, ông Yang nhận xét.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng giải thích rằng với lượng thông tin chưa đa dạng hiện tại, họ chưa thể đưa ra kết luận phản ánh chính xác thực trạng, và những thông tin họ đưa ra mới chỉ là một phần rất nhỏ của một vấn đề lớn.

Theo các phân tích, các học sinh từ 13-17 tuổi có xu hướng muốn tự tử cao gấp 4,7 lần nhóm từ 8-12 tuổi và số trường hợp tự tử ở học sinh nam nhiều hơn học sinh nữ.

Trong một báo cáo tương tự được công bố vào năm 2014, các chuyên gia đã nghiên cứu khoảng 79 trường hợp muốn tự tử. Kết quả cho thấy 1/3 số trường hợp muốn tự tử vì mâu thuẫn trong gia đình, 26% muốn kết thúc cuộc sống vì áp lực từ nhà trường và việc học tập.

Ngoài ra, trong bản báo cáo năm 2017, các nguyên nhân khác được bổ sung bao gồm mâu thuẫn giữa học sinh và thầy/cô giáo, các vấn đề tâm lý, quan hệ yêu đương, vấn đề bắt nạt và bạo lực học đường.

Việc sở hữu điện thoại thông minh cũng được cho là một trong những chất xúc tác dẫn tới tỉ lệ tự tử học đường gia tăng. Theo ông Yang, vào thời đại công nghệ, trẻ em có xu hướng phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị hiện đại và điều này có thể mang lại những hệ lụy không mong muốn.

Đức Hoàng

Theo SCMP