1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Áo tàng hình có làm nên sức mạnh cho Armata?

Nga vừa chế tạo thành công loại vật liệu đặc biệt có khả năng giúp xe tăng Armata tàng hình và chống được đạn chống tăng của kẻ địch.

Công nghệ mới

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Uralvagonzavod, ông Vyacheslav Khalitov cho biết, xe tăng Armata sẽ được Nga trang bị hệ thống phòng vệ gồm 4 cấp giúp dòng tăng này không bị kẻ thù theo dõi trên chiến trường.

Chiến xa sẽ được phủ lớp phủ đặc biệt làm cho bề mặt phản quang khiến hệ thống tần sóng radar, tia hồng ngoại và cảm quang không thể xác định nó.

Ngoài ra, Nga còn tìm ra vật liệu mới có thể khiến tăng Nga trở nên tàng hình. Loại vật liệu mang tên The Mantle này được Viện Sắt thép thuộc Nhà máy Chế tạo Máy Cơ khí phát triển có dạng một tấm màn lớn, được làm từ các thành phần có khả năng bảo vệ chủ động và được đặt phía trước xe thiết giáp cần được bảo vệ khoảng 50-1.500mm.

Tăng Armata.
Tăng Armata.

Khi tác chiến, bị lựu đạn chống tăng bắn vào, các thành phần bảo vệ bí mật trong tấm màn này sẽ có nhiệm vụ phá hủy mạch kích nổ điện tử trong quả lựu đạn cũng như làm phân tán các chất nổ trong quả lựu đạn.

Điều này sẽ khiến cho quả lựu đạn chống tăng khi chạm vào phần giáp chính của xe thiết giáp sẽ không thể phát nổ hoặc nếu có nổ thì khả năng xuyên giáp cũng bị suy giảm đáng kể.

Trong khi đó, khả năng tàng hình của The Mantle sẽ giúp giảm tới 6 lần khả năng xe tăng và xe chiến đấu bộ binh bị radar của địch phát hiện và giảm tới 3 lần khả năng các xe thiết giáp này bị các thiết bị hồng ngoại của địch phát hiện. Đặc biệt, việc tháo và lắp loại vật liệu này chỉ mất vài phút và binh sĩ không cần phải được huấn luyện để làm điều này.

Theo phân tích của Daily Mail, công nghệ tàng hình đã trở nên rất cần thiết đối với lực lượng tăng thiết giáp hiện đại bởi xe tăng không chỉ chiến đấu đối kháng trên mặt đất, khả năng tàng hình có thể chống lại các cuộc tấn công từ trên không bằng chiến đấu cơ và trực thăng...

Đây rõ ràng là bước tiến lớn của Nga trong việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất xe tăng thiết giáp nói chung. Theo ông Vyacheslav Khalitov, Nga sẽ ưu tiên ứng dụng loại vật liệu mới này cho việc sản xuất T-14 Armata đầu tiên.

Tàng hình không phải tất cả

Trong khi đó, dù không phải là dòng xe tăng tàng hình như Armata nhưng Đức tin rằng loại xe tăng MBT Revolution vừa được thử nghiệm thành công đủ sức đánh bại siêu tăng Nga. Sức mạnh hỏa lực của MBT Revolution nằm ở khẩu pháo nòng trơn Rheinmetall 120 mm/L55, hiện tại đó là khẩu pháo tăng tốt nhất trong dòng họ Leopard 2, có độ chính xác và tầm bắn xa hơn các phiên bản cũ.

Pháo 120mm này có thể tiêu diệt mục tiêu được che chắn đằng sau chướng ngại vật lẫn trong các kiến trúc kiên cố cũng như tấn công lính bộ binh, xe thiết giáp và trực thăng bay thấp. Mỗi chiếc MBT Revolution có thể mang 42 viên đạn pháo, trong đó 15 viên đặt trong tháp pháo để sẵn sàng sử dụng, những viên còn lại để trong khoang xe.

Đức thử nghiệm tăng MBT Revolution.
Đức thử nghiệm tăng MBT Revolution.

T-14 Armata sở hữu 1 pháo nòng trơn 125 mm 2A8201M, cơ số đạn 40 viên, trong đó 32 viên tự động nạp đạn (Nga còn có kế hoạch trang bị loại pháo cỡ nòng 152mm cho tăng T-14). Như vậy, về kích thước pháo chính và cơ số đạn của 2 loại tăng này là tương đương nhau.

Ngoài ra, cả T-14 và MBT Revolution đều được trang bị hệ thống súng máy hạng nặng. Theo đó, hệ thống hỏa lực của T-14 ngoài pháo 125 mm chỉ được trang bị thêm 1 súng máy điều khiển từ xa 7,62 mm PKTM (cơ số 2.000 viên đạn).

Ngoài pháo 120mm, MBT Revolution còn được trang bị 1 súng máy đồng trục cỡ 7,62mm và 1 súng máy cỡ 12,7mm đặt trên nóc tháp pháo, khẩu súng máy này gắn vào giá điều khiển từ xa cho phép xạ thủ có thể khai hỏa từ trong xe. Rõ ràng, về phân khúc này, T-14 tỏ ra yếu thế hơn hẳn trước MBT Revolution.

Hệ thống phòng vệ của MBT Revolution cũng tỏ ra không hề thua kém T-14. Theo đó, MBT Revolution có thể hoạt động trong tác chiến đô thị, các cuộc xung đột cường độ thấp lẫn trong chiến tranh quy mô lớn. Để làm được điều đó, MBT Revolution được tăng cường thêm giáp bị động, có thể bảo vệ 360 độ trước các loại tên lửa chống tăng lẫn đạn RPG, giáp bảo vệ hai bên thành xe.

Thân xe được tăng cường để đối phó với các loại thiết bị nổ tự chế (IED) và mìn, vốn đang nổi lên như một vũ khí lợi hại trong các cuộc chiến tranh gần đây. Giáp của MBT Revolution dạng module hóa, tức là các thành phần hư hỏng sẽ dễ dàng được thay thế ngay cả trong điều kiện dã chiến.

Trong khi đó, T-14 được trang bị hệ thống phòng vệ tích cực Afghanit, hệ thống bảo vệ bán cầu trên, hệ thống bảo vệ quang - điện tử và một tổ hợp chế áp tín hiệu radio. Tấm chắn mìn ở phía trước, bên dưới vị trí ngồi của kíp xe. Ngoài ra, Nga còn có kế hoạch cho Armata radar sử dụng công nghệ tương tự radar của siêu tiêm kích Sukhoi T-50.

Tuy nhiên, tất cả những công nghệ trên mới chỉ được Nga công bố. Vì vậy, với khả năng của mình, tăng MBT Revolution hạ được T-14 Armata của Nga là hoàn toàn có thể xảy ra.

Clip tăng Armata vô hiệu đòn tấn công từ trực thăng Apache:

Theo Tuấn Hưng

Đất Việt