1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Anh-Trung leo thang căng thẳng vì vấn đề Hồng Kông

(Dân trí) - Chính phủ Anh hôm qua đã chỉ trích Trung Quốc sau khi bị Bắc Kinh từ chối cấp thị thực cho các nghị sĩ Anh tới thăm Đặc khu hành chính Hồng Kông, nơi trước kia là thuộc địa của Anh và hiện đang chìm trong căng thẳng do biểu tình bạo loạn.

Hạ nghị sĩ Anh Richard Ottaway yêu cầu họp khẩn về căng thẳng ở Hồng Kông.
Hạ nghị sĩ Anh Richard Ottaway yêu cầu họp khẩn về căng thẳng ở Hồng Kông.

Vụ việc bắt đầu từ tuần trước khi các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh thông báo với Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Anh Richard Ottaway rằng ông và một nhóm nghị sĩ sẽ không được cấp thị thực tới Hồng Kông để đánh giá tình hình ở đặc khu hành chính này.

Ông Richard đã gọi quyết định trên là một sự "đối đầu công khai".

“Chính phủ Trung Quốc đang chọn cách đối đầu công khai khi từ chối cho chúng tôi (đến Hồng Kông) thực hiện nhiệm vụ của mình”, ông nói.

Ông Richard yêu cầu Hạ viện Anh nhanh chóng tiến hành một buổi thảo luận khẩn cấp về tình hình căng thẳng ở Hồng Kông.
 
Trong tuyên bố ngày hôm qua phát đi từ tòa nhà số 10 ở phố Downing của thủ đô London, chính phủ Anh cũng cho rằng quyết định của Trung Quốc là một “sai lầm” và “phản tác dụng”.

“Điều này chỉ làm tăng thêm, thay vì làm dịu đi, những lo ngại về tình hình Hồng Kông”, người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron nói, đồng thời nhấn mạnh “Anh có lợi ích... chính đáng theo tinh thần Tuyên bố chung Trung - Anh 1984 về Hồng Kông”.

Phía Trung Quốc lập tức phản ứng về tuyên bố của giới chức Anh.

“Với những ai cam kết và thực lòng thúc đẩy quan hệ hữu nghị Trung-Anh, cánh cửa tới Trung Quốc sẽ luôn rộng mở. Tuy nhiên, chúng tôi không hoan nghênh những người đến Trung Quốc để can thiệp vào công chuyện nội bộ của chúng tôi và chúng tôi sẽ không cho phép họ làm điều đó”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

Được biết, hiện Ủy ban đối ngoại Hạ viện Anh đang điều tra việc thực hiện thỏa thuận "một nước, hai chế độ" năm 1984. Đây là thỏa thuận đã dọn đường cho việc chuyển giao hoàn toàn thuộc địa cũ của Anh về với Trung Quốc vào năm 1997.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình, bạo động lại Hồng Kôngvẫn đang tiếp diễn với việc hàng nghìn người ủng hộ dân chủ xuống đường biểu tình đòi Đại lục tôn trọng quyền của người dân theo thỏa thuận đạt được với Anh khi tiếp nhận đặc khu hành chính này. Trong thỏa thuận có việc người dân Hồng Kông được tự do bầu chọn người lãnh đạo chính quyền, thay vì chỉ được chọn theo danh sách áp đặt từ Đại Lục.

Vũ Anh
Theo Express.co.uk