Anh tăng cường hiện diện tại châu Á
(Dân trí) - Anh muốn tăng cường hiện diện tại châu Á trong năm 2016 với thông điệp thắt chặt quan hệ quân sự với đồng minh Nhật Bản. Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào trước thông tin hai nước mong muốn tăng cường thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh mạng và tổ chức các cuộc tập trận chung?
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Anh, nước này muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với Nhật Bản. Anh cũng muốn tổ chức ít nhất một cuộc tập trận chung với quốc gia châu Á, có thể là một cuộc tập trận ở Nhật Bản với sự tham dự của các máy bay chiến đấu Typhoon thuộc Không quân Hoàng gia Anh trong năm nay.
Trong thông báo của Bộ Quốc phòng Anh hôm 8/1, Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon khẳng định: "Nhật Bản là đồng minh thân cận nhất của chúng tôi ở châu Á và tôi muốn hai nước tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực quốc phòng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trận chung, trao cho nhau quyền tiếp cận các căn cứ, trao đổi quân sự và hợp tác phát triển vũ khí, bao gồm tên lửa không đối không thế hệ mới".
Anh và Nhật Bản cũng đang rất quan tâm tới quá trình hợp tác trong "chiến tranh mạng" và đang phát triển tên lửa không đối không thế hệ mới nhằm thay thế tên lửa Meteor, hay còn gọi là AIM-120D AMRAAM. Tên lửa Meteor thực tế đang đứng trước nguy cơ bị tên lửa PL-15 của Trung Quốc đánh bại. Ngoài ra, mẫu tên lửa này dễ bị tấn công trước hệ thống gây nhiễu bằng sóng kỹ thuật số của đối phương.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Anh cho biết thêm: "Sau thành công của vòng đàm phán đầu tiên về Dự án hợp tác nghiên cứu tính khả thi phát triển tên lửa không đối không mới (JNAAM), Anh và Nhật Bản đều nhất trí chuyển sang giai đoạn hai của quá trình nghiên cứu".
Trên mặt trận an ninh mạng, Anh và Nhật Bản cũng đang tăng cường chia sẻ thông tin và thúc đẩy các biện pháp hợp tác. Thông báo khẳng định: "Chúng tôi xác nhận rằng hai nước có ý định tiến hành một dự án nghiên cứu chung trong năm 2016 với sự tham gia của các chuyên gia phân tích về an ninh mạng của hai nước. Ngoài ra, Anh và Nhật Bản cũng đang hướng tới tổ chức các cuộc diễn tập chung trong lĩnh vực này".
Ngoài ra, chính phủ Anh cũng hy vọng có thể tăng cường hợp tác với Nhật Bản trong các lĩnh vực như nghiên cứu đại dương, cải thiện khả năng đổ bộ của các đơn vị hai nước và cải thiện khả năng cảnh báo sớm các loại thiết bị nổ hiện đại. Anh cũng hoan nghênh sự tham dự của Nhật Bản trong các hoạt động trao đổi quân sự và tập trận của NATO.
Đánh giá về dự luật an ninh mới của Nhật Bản cho phép quân đội tham gia chiến đấu ở nước ngoài, Anh cho rằng: "Chúng tôi hoan nghênh Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới và ủng hộ Tokyo đóng vai trò năng động hơn trong việc duy trì hoà bình, ổn định và an ninh trên thế giới thông qua chính sách của nước này mang tên "Năng động để đóng góp cho hoà bình", vốn dựa trên các nguyên tắc hợp tác quốc tế".
Về phần mình, Nhật Bản cũng bày tỏ hy vọng Anh sẽ lại đóng vai trò tích cực hơn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong một thông báo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatami đánh giá: "Năm ngoái, Anh đã công bố Báo cáo Chiến lược về An ninh và Quốc phòng. Trong đó, Anh tái khẳng định cam kết về việc duy trì sự hiện diện ở các khu vực trên thế giới đúng với vai trò của một cường quốc. Báo cáo đánh giá cao Nhật Bản là đồng minh thân cận nhất của Anh tại châu Á và tôi đánh giá cao điều này. Cũng trong năm ngoái, chúng tôi đã có những thay đổi về hiến pháp liên quan đến vấn đề an ninh và hoà bình. Thông qua những hoạt động thời gian qua, hai quốc gia đều mong muốn tiếp tục thực hiện những cam kết để duy trì ổn định trên toàn cầu".
Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào trước thông tin việc Anh và Nhật Bản thắt chặt hợp tác trong thời gian tới. Tuy nhiên, với những vấn đề trong thời gian qua như tại biển Hoa Đông hay Bển Đông, rõ ràng Trung Quốc khó có thể hài lòng trước thông tin này.
Ngọc Anh
Theo NationalInterset