1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Anh quyết tâm tìm ra thủ phạm vụ đầu độc điệp viên Nga Litvinenko

Động thái điều tra công khai vụ án càng làm quan hệ Anh-Nga trở nên căng thẳng.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May vừa thông báo một cuộc điều tra công khai truy tìm thủ phạm đã đầu độc cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko bằng chất phóng xạ tại một khách sạn ở London năm 2006.
 
Cuộc điều tra sẽ được chủ trì bởi Thẩm phán Tòa án Tối cao Sir Robert Owen cũng là người đã tìm ra “những bằng chứng ban đầu cho thấy Chính phủ Nga là thủ phạm”. Quyết định điều tra công khai đã được Hạ viện Anh đưa ra vào sáng hôm qua (22/7) dưới sức ép của ông Owen và bà Marina Litvinenko, người vợ góa của Litvinenko, người muốn “tìm ra sự thật đằng sau cái chết của chồng tôi”. Quyết định này đã đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách của Chính phủ Anh.

Cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko (ảnh Getty Images)
Cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko (ảnh Getty Images)

Bà May trước đây đã phản đối cuộc điều tra công khai vụ việc nhưng “các vấn đề trong quan hệ quốc tế đã khiến Chính phủ đưa ra quyết định trên”. Cuộc điều tra diễn ra đúng vào thời điểm quan hệ giữa London và Moscow đang căng thẳng sau vụ MH17 bị bắn rơi tại Ukraine.

Bà May cho biết thêm: “Cuộc điều tra này không nhằm trả lời câu hỏi liệu các nhà chức trách Anh đã có thể ngăn chặn vụ ám sát này hay không… Đã hơn 7 năm sau cái chết của Litvinenko và tôi hy vọng rằng cuộc điều tra này sẽ giúp bà Litvinenko được an ủi phần nào”.

Tháng 11/2006, ông Litvinenko đã bị giết chết một cách đau đớn ở tuổi 43 sau khi uống phải trà tẩm phóng xạ polonium-210 với hai người đàn ông Nga trong đó có một cựu sĩ quan tình báo KGB tại khách sạn Thiên niên kỷ ở trung tâm London. Hai cựu sỹ quan KGB là Andrei Lugovoi và Dmitri Kovtun được xác định là hai nghi phạm chính tuy nhiên cả hai đã từ chối tham gia cuộc điều tra và tiếp tục ở lại Nga.

Viện kiểm soát Hoàng gia Anh đã kết tội Lugovoi tội giết người 6 tháng sau khi Litvinenko qua đời. Giám đốc Viện kiểm sát Sir Ken Macdonald cho rằng Lugovoi cần được dẫn độ từ Nga để xét xử. Những người thân của Litvinenko tin rằng ông từng làm việc cho MI6 trước khi qua đời và Chính phủ Nga đã ra lệnh ám sát ông. Tuy nhiên, điện Kremlin đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào.

Ông Owen sau đó đã kêu gọi một cuộc điều tra công khai nhằm nghiên cứu các tài liệu bí mật của Chính phủ Anh giúp ông chứng minh được sự liên quan của Chính phủ Nga với cái chết của Lipvinenko. Tuy nhiên, yêu cầu của ông đã bị từ chối vào tháng 7/2013.

Trước thông tin Anh sẽ tiến hành điều tra công khai vụ án, bà Marina Litvinenko bày tỏ sự vui mừng: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và hài lòng với quyết định này. Điều này sẽ gửi thông điệp đến những kẻ đã giết Sasha: dù họ có hùng mạnh và quyền lực đến đâu, sự thật cuối cùng sẽ chiến thắng và họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những tội ác của mình. Chúng ta đã mất gần 8 năm trời để mang những kẻ phạm tội ra trước công lý. Tôi hết sức tin tưởng Ngài Robert Owen và quá trình điều tra. Tôi mong chờ đến ngày sự thật đằng sau vụ án của chồng tôi sẽ được sáng tỏ cho toàn thế giới biết”./.

Theo CTV Tạ Hiển/VOV.VN Theo Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm