1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ảnh “Em bé napalm” của chiến tranh Việt Nam tròn 40 tuổi

(Dân trí) - Trong bức ảnh năm xưa, Kim Phúc sẽ mãi là một cô bé 9 tuổi đang hét lên “Nóng quá! Nóng quá!” khi em chạy trên đường khỏi ngôi làng Trảng Bàng đang bốc cháy ở tỉnh Tây Ninh, miền nam Việt Nam.

 
Bức ảnh “Em bé napalm” nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam tròn tuổi 40
Bé Kim Phúc trong bức ảnh nổi tiếng của Huỳnh Công "Nick" Út.

Phúc chạy trong tư thế trần truồng vì bom napalm khiến quần áo của em bị cháy hết và làn da bị bỏng nặng.

Cô bé sẽ luôn là một nạn nhân không tên.

40 năm trước, phóng viên ảnh Huỳnh Công "Nick" Út của hãng thông tấn AP chỉ mất một giây để ghi lại tấm ảnh đen trắng mang tính biểu tượng. Bức ảnh đã lột tả những nỗi kinh hoàng về cuộc chiến tranh Việt Nam theo cách mà ngôn từ không bao giờ miêu tả nổi, giúp chấm dứt một trong những cuộc chiến gây chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Nhưng phía sau bức ảnh là một câu chuyện ít người biết đến. Đó là câu chuyện về một bé gái đứng trước cửa tử tình cờ được cứu sống bởi một phóng viên trẻ. Một khoảnh khắc được ghi lại trong thời khắc hỗn loạn của chiến tranh đã trở thành vị cứu tinh nhưng cũng là “lời nguyền” theo cô tới suốt cuộc đời.

“Tôi thực sự muốn thoát khỏi hình ảnh đó”, Kim Phúc, nhân vật chính trong bức ảnh nổi tiếng 40 năm trước và giờ 49 tuổi, nói. “Nhưng dường như tôi không thể rời bỏ nó”.
 
Bức ảnh “Em bé napalm” nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam tròn tuổi 40
Phóng viên ảnh Huỳnh Công "Nick" Út.

Ngày không thể quên

Vào ngày 8/6/1972, khi Phúc nghe thấy tiếng một binh sĩ phía bắc Việt Nam hét lên: “Phải chạy khỏi nơi này. Chúng sẽ dội bom xuống đấy và tất cả chúng ta sẽ chết”.

Chỉ ít giây sau, Phúc nhìn thấy những cột khói màu vàng pha tím cuộn lại quanh đền Cao Đài nơi gia đình cô trú ẩn trong 3 ngày qua. Cô bé nghe thấy một âm thanh gầm rú ở trên đầu và quay lại để quan sát. Khi máy bay Mỹ bay nhanh hơn và gần hơn, nó dội bom xuống bên dưới.

“Bùm! Bùm”. Mặt đất rung lên. Sau đó, sức nóng từ những quả bom napalm tương đương hàng trăm lò luyện lan nhanh khi những ngọn lửa màu vàng bao trùm mọi hướng.

Lửa đã bắt phải cánh tay trái của Phúc. Quần áo của cô bé bốc cháy. Toàn thân cô bé đau đớn. “Tôi sẽ trở nên xấu xí và không là người bình thường được nữa. Mọi người sẽ nhìn tôi bằng con mắt khác”, bà Phúc nhớ lại suy nghĩ khi đó.
 
 
Bức ảnh “Em bé napalm” nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam tròn tuổi 40
Con đường nơi bức ảnh nổi tiếng được chụp năm 1972.

Bị sốc nặng, Phúc bỏ chạy theo anh trai trên đường Quốc lộ 1. Cô bé không nhìn thấy các nhà báo nước ngoài đang đứng đó khi vừa chạy về phía họ vừa la hét. Sau đó, Phúc ngất đi.

13 tháng điều trị

Nick Út, một phóng viên Việt Nam 21 tuổi và là tác giả của bức ảnh, đã vội vàng đưa Phúc tới một bệnh viện nhỏ. Tại đây, Út được cho biết rằng bé gái bị bỏng nặng tới mức không thể cứu chữa được. Nhưng người phóng viên trẻ đã năn nỉ các bác sĩ điều trị cho cô bé và chỉ rời đi sau khi được đảm bảo rằng cô bé sẽ không bị bỏ quên.

“Tôi đã khóc khi nhìn thấy cô bé đang chạy”, Út, người có anh trai cũng từng làm việc cho hãng AP và bị chết trong chiến tranh, nhớ lại. “Nếu tôi không giúp cô bé, nếu có điều gì đó xảy ra và cô ấy tử vong, tôi sẽ chết mất”.
 
Trở lại văn phòng của hãng thông tấn AP tại Sài Gòn khi đó, Nút đã hoàn thành bức ảnh. Khi bức ảnh một bé gái trần truồng được đưa ra, mọi người đều sợ rằng nó có thể bị phản đối vì AP có quy định nghiêm ngặt là không đăng ảnh trần truồng.

Nhưng phóng viên ảnh kỳ cựu Horst Faas, người chịu trách nhiệm về bộ phận ảnh tại Việt Nam, đã xem và nhận thấy rằng đó là bức ảnh có thể phá vỡ các quy định. Faas cho rằng giá trị thông tin của bức ảnh lớn hơn nhiều bất kỳ lo ngại nào khác và ông đã đúng.

Vài ngày sau khi bức ảnh đã gây sốc cho cả thế giới, một nhà báo khác phát hiện ra rằng bé gái vẫn còn sống sau vụ tấn công bằng bom napalm. Christopher Wain, phóng viên của mạng truyền hình ITN của Anh chứng kiến cảnh Phúc bị bỏng và dội nước lên người cô ngay tại hiện trường, đã giúp đỡ để chuyển cô tới một bệnh viện tiện nghi ở Sài Gòn để điều trị.

“Tôi tỉnh lại trong bệnh viện và không biết mình đang ở đâu hay có chuyện gì đã xảy ra. Tôi vô cùng đau đớn và sợ hãi. Các y tá đã vây quanh trợ giúp tôi”, bà Phúc nhớ lại.

30% cơ thể Phúc đã bị bỏng độ 3, mặc dù gương mặt của cô bé không bị ảnh hưởng. Dần dần sau đó, vết thương đã bắt đầu lành lại.

“Vào mỗi 8 giờ sáng, các y tá lại bắt bỏ các vùng da chết. Tôi chỉ biết khóc, và khi không chịu đựng được nữa khi tôi ngất đi”, Phúc cho hay.
 
Bức ảnh “Em bé napalm” nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam tròn tuổi 40
Kim Phúc trong lần hội ngộ cùng Nick Út năm 1989.

Sau nhiều cuộc phẫu thuật và cấy ghép da, Phúc cuối cùng đã được phép xuất viện, 13 tháng sau vụ ném bom. Cô đã được xem bức ảnh của Út, mà sau đó đã giúp ông giành giải thưởng Pulitzer danh giá, nhưng vẫn không ý thức được về sức mạnh của nó.

Cô chỉ muốn trở về nhà và là một đứa trẻ bình thường.

Sát cánh cùng bức ảnh vì hoà bình 
 
Bức ảnh “Em bé napalm” nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam tròn tuổi 40
Kim Phúc giờ đây đã có gia đình hạnh phúc cùng chồng và 2 con trai.

Năm 1982, với sự trợ giúp của một nhà báo nước ngoài, Phúc tới Tây Đức để điều trị các di chứng của bom napalm. Sau đó, cô được cử sang Cuba để học.

Khi học tập tại Cuba, Phúc gặp một thanh niên Việt Nam. Cô chưa bao giờ tin rằng lại có bất kỳ người lại có thể yêu cô vì di chứng của những vết sẹo xấu xí trên lưng và cánh tay cô. Nhưng Bùi Huy Toàn dường như lại yêu cô hơn vì những điều đó.

Hai người quyết định kết hôn năm 1992 và chuyển tới sống tại Canada sau đó.

Phúc đã liên lạc với Nick Út để báo tin họ đã chuyển tới Canada và ông Út khuyến khích Phúc kể lại câu chuyện của mình với thế giới.

Năm 1999, một cuốn sách và một bộ phim tài liệu về bà Phúc cuối cùng đã được ra mắt. Bà cũng được mời làm Đại sứ thiện chí của Liên hợp quốc để trợ giúp cá nạn nhân chiến tranh. Bà và Út kể từ đó đã tái ngộ nhiều lần để ôn lại câu chuyện của họ, thậm chí còn tới London để gặp gỡ Nữ hoàng Anh.

“Tôi hạnh phúc vì có thể trợ giúp Phúc”, ông Út, người hiện vẫn đang làm việc cho hãng AP và gần đây đã trở lại làng Trảng Bàng, nói. “Tôi coi cô ấy như con gái”.

Sau 40 năm, bà Phúc, giờ đây đã làm mẹ của 2 con trai, cuối cùng đã có thể xem lại bức ảnh của chính mình chạy trong tư thế trần truồng và hiểu ra tại sao nó vẫn còn có sức mạnh tới vậy. Nó đã giúp cứu sống bà, thử thách và cuối cùng là giải thoát bà.

“Hầu hết mọi người biết bức ảnh nhưng không nhiều người biết về cuộc đời tôi. Tôi rất cảm ơn điều đó… Tôi có thể coi bức ảnh này như một món quà có tác động mạnh. Và sau đó là lựa chọn của tôi. Tôi có thể sát cánh với nó vì hoà bình”, bà Phúc nói.

An Bình
Theo AP 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm