1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Anh, Đức, Tây Ban Nha cũng do thám điện thoại hàng loạt

(Dân trí) - Những tài liệu do cựu điệp viên CIA Edward Snowden cung cấp được một tờ báo Anh đăng tải cho thấy Anh là nước đi đầu trong việc giúp các nước châu Âu khác, trong đó có Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Điển theo dõi hàng loạt điện thoại, mạng cáp quang.

GCHQ bị xem là cơ quan đi đầu trong các hoạt động do thám tại châu Âu
GCHQ bị xem là cơ quan đi đầu trong các hoạt động do thám tại châu Âu

Thông tin trên vừa được tờ Guardian của Anh công bố ngày 2/11. Theo đó trung tâm theo dõi điện tử của Tổng hành dinh thông tin truyền thông chính phủ Anh (GCHQ), vốn có mối quan hệ chặt chẽ với Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) – đã giữ vai trò đi đầu trong việc giúp đỡ các quốc gia khác lách các quy định, vốn được ban hành nhằm hạn chế hoạt động gián điệp, tờ báo của Anh khẳng định.

Theo hãng tin AFP, những tiết lộ này có khả năng khiến một số chính phủ khó xử, trong đó có Đức và Tây Ban Nha, những nước từng lên án các thông tin trước đó rằng NSA đã theo dõi điện tử các công dân nước mình.

Bài viết của tờ báo trên khẳng định, các cơ quan tình báo của các quốc gia châu Âu, có sự liên minh “lỏng lẻo nhưng đang tăng lên”, đã thực hiện hoạt động theo dõi thông qua nghe lén trực tiếp các tuyến cáp quang và thông qua các mối quan hệ bí mật với các công ty truyền thông.

Trước đó, Guardian cũng đã khẳng định GCHQ đã nghe lén các tuyến cáp quang xuyên Đại Tây Dương.

Trong bài viết hôm thứ Bảy, tờ báo này đã trích dẫn một khảo sát của GCHQ năm 2008 đối với các đối tác châu Âu của mình, cộng với một bản báo cáo sau đó của GCHQ về các nỗ lực bẻ khóa hệ thống mã hóa thương mại trực tuyến. Guardian khẳng định cả hai hoạt động này đã được đề cập trong các tài liệu được Snowden tiết lộ.

Trong khảo sát này GCHQ khẳng định Cơ quan tình báo liên bang Đức (BND) đang nghe lén các tuyến cáp quang và có “những tiềm năng công nghệ khổng lồ và khả năng truy cập tốt vào lõi của hệ thống internet”, trong khi đó các điệp viên Anh đang giúp đỡ Đức thay đổi hoặc lách các điều luật hạn chế khả năng can thiệp các hệ thống liên lạc.

Trung tâm tình báo quốc gia (CNI) của Tây Ban Nha đã trợ giúp thông qua một mối quan hệ với một công ty truyền thông không rõ danh tính của Anh, bài báo viết.

Pháp, Đức và Tây Ban Nha mới đây đều đã phản ứng giận dữ trước những thông tin về hoạt động gián điệp điện tử của Mỹ. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng chất vấn Tổng thống Mỹ Barack Obama về những bài viết khẳng định NSA đã theo dõi điện thoại di động của bà trong nhiều năm.

Còn Tây Ban Nha hồi tháng trước đã triệu đại sứ Mỹ để lên án hoạt động nghe lén của Mỹ đối với các cuộc điện đàm của công dân nước này, sau khi tờ El Mundo công bố một tài liệu được cho là chứng tỏ tình báo Mỹ đã theo dõi 60,5 triệu cuộc điện thoại của Tây Ban Nha trong một tháng.

Nhưng các quan chức Mỹ đã đáp trả rằng, các cơ quan tình báo châu Âu đã chia sẻ dữ liệu điện thoại với tình báo Mỹ, và các bài báo tại châu Âu đã diễn giải sai tài liệu của Snowden.

Theo bài viết hôm 2/11 của Guardian, Văn phòng an ninh nước ngoài (DGSE) của Pháp đã hợp tác với GCHQ để bẻ khóa những phương thức mã hóa trực tuyến, và thông tin bảo mật hữu ích từ một công ty viễn không không rõ danh tính.

Trong khi đó Thụy Điển đã được chính phủ Anh khen ngợi vì đã thông qua một điều luật năm 2008, cho phép nghe lén các tuyến cáp quang và đã có kế hoạch làm việc chặt chẽ với Anh để thực hiện các chiến dịch, bài báo khẳng định.

Tài liệu do cựu điệp viên CIA Snowden tiết lộ đã gây ra những tranh cãi ngày càng lớn về mạng lưới tình báo khổng lồ của Mỹ. Trung Quốc, Indonesia và Malaysia tuần qua đều đã yêu cầu Mỹ và Australia giải thích về những thông tin khẳng định cơ quan ngoại giao của những nước này đã tiến hành hoạt động thu thập thông tin tình báo.

Thanh Tùng
Theo AFP