1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Anh điều tàu chiến giải cứu công dân mắc kẹt vì tro bụi

(Dân trí) - Anh hôm nay đã điều các tàu chiến Hải quân Hoàng gia để giải cứu những người bị mắc kẹt ở bên kia eo biển Manche do tro bụi núi lửa Iceland khiến giao thông hàng không châu Âu bị tê liệt.

 
Anh điều tàu chiến giải cứu công dân mắc kẹt vì tro bụi - 1

Du khách Đức Tobias Loaenz mắc kẹt tại sân bay quốc tế Incheon tại Incheon, Hàn Quốc.

Động thái trên được công bố sau khi Ủy ban khẩn của chính phủ Anh (COBRA) nhóm họp để thảo luận các giải pháp nhằm giảm bớt tình trạng hỗn loạn giao thông do tro bụi núi lửa.

Từ London, Thủ tướng Anh Gordon Brown cho hay tàu sân bay HMS Ark Royal và tàu chiến HMS Ocean sẽ được điều động tới bờ bên kia eo biển Manche giữa Anh và Pháp. Một con tàu thứ 3 sẽ được cử tới Tây Ban Nha để đón các binh sĩ đang trở về Anh sau thời gian phục vụ tại Afghanistan.

“Tôi hi vọng tàu Ocean sẽ tới eo biển Manche hôm nay và Ark Royal cũng tiến về phía eo biển này sau đó”, ông Brown nói sau buổi làm việc với COBRA.

Cũng theo ông Brown, Anh đang thảo luận với các nhà chức trách Tây Ban Nha để xem xét xem liệu các công dân Anh bị mắc kẹt ở nước ngoài có thể bay tới Tây Ban Nha, sau đó trở về Anh bằng thuyền hay không.

Ông Brown cho biết tro bụi núi lửa đã tạo ra “thách thức lớn nhất đối với mạng lưới giao thông hàng không Anh trong nhiều năm qua”.

Tổ chức kiểm soát giao thông hàng không châu Âu (Eurocontrol) có trụ sở tại Brussels (Bỉ) cho hay gần 1/3 các chuyến bay tại châu Âu đã cất cánh hôm nay, tức là khoảng 8.000-9.000 chuyến, trong tổng số 28.000 chuyến bay dự kiến cất cánh mỗi ngày. Các hành khách tại châu Á, vốn phải ngủ tại sân bay trong vài ngày qua và đang hết tiền dự trữ, đã biểu tình tại các sân bay.

Tại Tây Ban Nha, các sân bay hôm nay đã mở cửa và nước này tình nguyện trở thành trung tâm hàng không mới của châu Âu nhằm giúp các hành khách mắc kẹt có thể bay trở lại. Bộ trưởng giao thông Tây Ban Nha Jose Blanco cho hay, khoảng 100.000 người có thể bay theo kế hoạch khẩn cấp mới nhằm tập trung vào việc đưa các công dân Anh trở về nước từ châu Á, Mỹ La-tinh và Bắc Mỹ.
 
Tây Ban Nha cũng tăng cường các dịch vụ tàu thuyền, xe buýt và tàu hỏa để vận chuyển hành khách.

Các hãng hàng không châu Âu cho biết, cuộc khủng hoảng hàng không tiêu tốn khoảng 200 triệu USD tiền đền bù tài chính mỗi ngày. Hãng hàng không Anh British Airways tuyên bố thiệt hại khoảng 30 triệu USD mỗi ngày và các hãng hàng không khác cũng đối mặt với các khoản thua lỗ khổng lồ.

Hàng trăm nghìn du khách trên khắp thế giới đã ảnh hưởng sau khi núi lửa Eyjafjallajokull bên dưới sông băng cùng tên phun trào lần thứ 2 trong một tháng hôm thứ 4 tuần trước.
 
Khoảng 20 quốc gia tại châu Âu đã tuyên bố đóng cửa toàn bộ hoặc từng không phận sau khi mây tro bụi từ Iceland đã lan toả khắp khu vực vài ngày qua, khiến khoảng 17.000 chuyến bay trên khắp châu Âu bị hủy mỗi ngày.
 
Dưới sức ép ngày càng gia tăng của các hãng hàng không, các nhà chức trách hàng không dân sự châu Âu đang tổ chức một hội nghị điện thoại nhằm thảo luận các biện pháp tiến tới việc mở cửa không phận.

An Bình
Theo AP