1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ẩn họa sau bê bối hàng loạt cụ 100 tuổi mất tích ở Nhật

(Dân trí) - Nhật Bản vốn luôn tự hào là nước có tuổi thọ dân số cao nhất thế giới nhưng giờ đây niềm tự hào đó đang vấp phải sự thật kỳ cục rằng hàng trăm người được liệt kê là già nhất đất nước thực ra đã chết từ lâu hoặc mất tích nhiều thập kỷ.

 

Ẩn họa sau bê bối hàng loạt cụ 100 tuổi mất tích ở Nhật - 1


Nhật tăng cường các cuộc viếng thăm người sống trên trăm tuổi sau các vụ bê bối người già mất tích mới đây.

 

Bí ẩn hàng trăm người sống trăm tuổi hoặc hơn mất tích thu hút được sự quan tâm đặc biệt của công chúng tại đất nước có dân số đang già đi nhanh chóng này. Nguyên nhân mất tích của họ bắt nguồn từ những người thân thiết mưu đồ chiếm đoạt tiền dưỡng già, từ những nhân viên xã hội làm việc không có trách nhiệm hay từ những câu chuyện thương tâm về người già bị cô lập, bị lãng quên, bị xã hội gần như bỏ rơi.

 

Vụ bê bối bắt đầu được phanh phui vào cuối tháng 7 vừa qua, khi cảnh sát phát hiện ra Sogen Kato, người được cho là cụ ông thọ nhất Tokyo (111 tuổi), thực ra đã chết 32 năm trước. Thi thể đã thối rữa và được ướp một phần của cụ vẫn được để trong nhà cụ.

 

Và hiện cảnh sát đang điều tra những người thân trong gia đình về khả năng bỏ rơi cụ cũng như gian lận tiền trợ cấp.

 

Vụ phát hiện đã khiến giới chức trách trên cả nước giật mình rà soát lại toàn bộ những cụ sống từ 100 tuổi trở lên ở trong khu vực của họ. Những gì họ phát hiện trong các cuộc rà soát đó thật kinh khủng.

 

Tiếp tục, cụ bà được cho là nhiều tuổi nhất Tokyo, cụ Fusa Furuya, sinh tháng 7/1897, đang mất tích. Phần đăng ký nơi ở gần đây nhất của cụ đã bị bỏ trống từ cách đây rất lâu.

 

Còn ở riêng thành phố Kobe, miền tây Nhật Bản, giới hữu trách cũng đang cố gắng tìm kiếm hơn 100 cụ từ 100 tuổi trở lên cũng được phát hiện mất tích. Trong số này có một cụ bà 125 tuổi, nếu còn sống.

 

Quản lý lỏng lẻo

 

Những trường hợp trên là ví dụ rõ ràng cho thấy việc quản lý lỏng lẻo ở Nhật. 

Theo Nhóm nghiên cứu lão khoa, nhóm tìm những cá nhân có tuổi thọ đặc biệt cao, người già nhất thế giới là cụ bà Eugenie Blanchard, 114 tuổi, người Pháp sinh ngày 16/2/1896. Cụ Blanchard trở thành người già nhất thế giới sau khi cụ Kama Chinen người Nhật Bản qua đời vào tháng 5 vừa qua, một tuần trước khi cụ bước sang sinh nhật lần thứ 115.
Giới chuyên gia cho rằng Nhật Bản cần phải cải cách gấp hệ thống quản lý dân số nếu không muốn tình trạng xấu hổ tương tự bị lặp lại.

“Chúng ta có một hệ thống quản lý dân số cũ kỹ, dựa vào đăng ký viết tay và dựa vào báo cáo của bên thứ ba”, Ryuichi Kaneko, thuộc Học viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia tại Tokyo cho hay.
 
Còn theo tờ Asahi của Nhật, nếu giấy báo tử không được trình lên giới chức trách, thì tiền trợ cấp, hưu trí cho người già hàng tháng vẫn được trả, khiến một số người thân giữ bí mật chuyện chết chóc để chiếm đoạt số tiền đó.
 

Trớ trêu thay, việc phát hiện ra sự thật về các cụ Furuya Kato đến đúng vào thời điểm giới chức trách địa phương, vốn đã không liên lạc trực tiếp với hai cụ nhiều thập niên, đang cố gắng cập nhật kỷ lục của các cụ trước ngày lễ Kính trọng người già vào tháng 9 tới.

Vào ngày đó, những người đã 100 tuổi hoặc chuẩn bị bước sang tuổi 100 sẽ nhận được một chiếc cúp bạc và lá thư chúc mừng của thủ tướng.

Mối quan hệ xã hội xuống cấp

Cùng chia sẻ quan điểm với nhiều người, nhà nghiên cứu Kaneko cho rằng: “Cái thời mà 3, 4 thế hệ sống chung dưới cùng một mái nhà đã qua. Con người ngày càng bị cô lập hơn, không gia đình, không vợ chồng, không con cái, và không cả viễn cảnh có cháu chắt nữa.”
 
Những nhận xét của ông Kaneko phản ánh mối lo ngại lớn hơn, đó là mối quan hệ từng gắn kết các cộng đồng nhỏ đã bị suy yếu do sự đô thị hóa. Ở những cộng đồng này giờ đây việc lên tiếng lo ngại đối với người hàng xóm lại dễ bị suy diễn thành thọc mạch. Và vấn đề càng trở nên trầm trọng khi cảnh sát không muốn can thiệp vào những việc mà họ coi là vấn đề nội bộ gia đình.

“Thật kinh khủng khi mối quan hệ của người già với người thân của họ và cộng đồng nơi họ sống ngày càng mờ nhạt trong xã hội đang già đi này”, tờ Yomiuri của Nhật khóc thương. “Các chức năng của cộng đồng, mà ở đó người dân để mắt tới người già qua liên lạc hàng ngày với tư cách là hàng xóm, dường như cũng đang giảm sút”.

“Gia đình, những người thân thiết nhất với người già, trong nhiều trường hợp không biết họ sống ở đâu, thậm chí còn không bận tâm yêu cầu cảnh sát tìm kiếm họ”, Asahi, một tờ báo lớn của Nhật viết trong bài xã luận mới đây. “Tình trạng này cho thấy sự tồn tại của những người cô đơn, những người không có gia đình để nương tựa, và mối quan hệ của họ với những người xung quanh hoàn toàn bị cắt đứt”.
 
Thủ tướng Naoto Kan cũng đã nêu ra mối lo ngại này trước quốc hội. “Đây là do mối quan hệ giữa người với người đang bị suy yếu”, ông nói. “Xã hội dường như đang chia cắt mối quan hệ giữa người với người”.

“Thật kinh khủng”, Thủ tướng Kaneko cho biết. “Không chỉ đối với người sống trăm tuổi mà cho cả nhóm người già nói chung. Chính phủ hiểu được vấn đề này nhưng sự thay đổi về cấu trúc dân số, xã hội diễn ra quá nhanh nên dường như chúng ta không thể thích nghi kịp”.

Phan Anh

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm