1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ và câu chuyện Su-30MKI (tiếp theo và hết)

Năm 2002, chiếc Su-30MKI đầu tiên được chuyển giao cho Không quân Ấn Độ. Cỗ máy đủ nhanh và trở thành "ngọn cờ đầu" của Không quân Ấn Độ.

Một loạt các hợp đồng tiếp theo được ký theo sáng kiến của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, đưa tổng số đơn hàng lên 272 chiếc Su-30MKI.

Đi tiên phong

Tiến trình chế tạo liên tục được cải thiện nhờ sản xuất máy bay cho Algeria, Su-30MKI (A) và Malaysia, Su-30MKM. Độ tin cậy, các tính năng khai thác của máy bay được cải thiện đồng thời các cỗ máy cũng được lắp đặt những hệ thống mới.

Lợi nhuận thu từ xuất khẩu được tái đầu tư cho nhà máy Irkut. Kết quả, cho đến nay, nhà máy này trở thành một trong những nhà máy có trang thiết bị công nghệ tốt nhất không chỉ trong ngành hàng không mà cả trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga.

Ấn Độ và câu chuyện Su-30MKI (tiếp theo và hết) - 1

Máy bay Su-30MK.

Ngoài Su-30MK chế tạo cho Ấn Độ, nhà máy Irkut còn xuất xưởng dòng máy bay huấn luyện chiến đấu hai chỗ Yak - 130 danh tiếng và bắt tay vào chế tạo mẫu máy bay dân dụng tầm trung đầu tiên của Nga, MS - 21.

Để biết thành công từ dự án MKI tác động tích cực như thế nào tới Công ty Irkut, Chủ tịch Công ty cổ phần Tổng Công ty Irkut, ông Oleg Demchenko, cho biết: "Chương trình Su-30MKI là nền tảng cho sự phát triển của chúng tôi. Lợi nhuận thu được từ xuất khẩu, chúng tôi tái đầu tư phát triển các dự án mới, chẳng hạn như máy bay huấn luyện chiến đấu Yak - 130 và máy bay hành khách MS - 21. Một hướng không kém phần quan trọng là tái đầu tư cho nhà máy Irkut. Chúng tôi đã cải tiến tổng thể bằng công nghệ kỹ thuật số, nâng cấp thiết bị máy móc, áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu, đào tạo hàng loạt kỹ sư và công nhân. Kết quả là trước đây, trong những năm tốt nhất, chúng tôi xuất xưởng tới 30 tiêm kích mỗi năm. Hiện tổng công suất hàng năm của Su-30SM và Yak - 130 là gần 60 chiếc. Trong khi đó, chúng tôi tiếp tục triển khai sản xuất hàng loạt máy bay MS - 21, và chế tạo chiếc MS - 21 - 300 đầu tiên để thử nghiệm".

Sản xuất cho chính mình

Hiệu quả chiến đấu tối ưu cùng các tính năng Su-30 do nhà máy Irkut chế tạo cùng các thông số chi phí của chương trình đã thu hút sự chú ý của Bộ Quốc phòng Nga, vốn vào đầu thập niên 2010 muốn tái vũ trang hàng loạt cho lực lượng không quân. Kết quả là năm 2012, Bộ Quốc phòng Nga ký hợp đồng cung cấp cho Không quân Nga hai lô tiêm kích đa năng Su-30SM.

Cỗ máy này là sự phát triển của Su-30MKI và Su-30MKM. Trong một thời gian ngắn, Irkut và OKB Sukhoi đã hoàn chỉnh chiếc máy bay theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga. Năm 2013, Su-30SM hoàn tất thử nghiệm và ngày nay Trung đoàn Su-30SM, đóng tại căn cứ Domna của quân khu miền Đông, gồm toàn máy bay mới đã đi vào trực chiến.

Ấn Độ và câu chuyện Su-30MKI (tiếp theo và hết) - 2

Máy bay Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.

Su-30SM đa năng cũng được chọn cho các đơn vị bờ biển của Hải quân Nga. Và khách hàng nước ngoài mới của Su-30SM là Kazakhstan, đồng minh của Nga trong Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO).

Gia đình Su-30 Irkut có triển vọng tươi sáng. Tổng số đơn hàng cho các máy bay Su-30MKI/MKI (A)/MKM/SM đã vượt quá 400 chiếc và dự kiến còn tăng cao. Khoảng 300 máy bay loại này đang được quân đội khai thác thành công.

Kết hợp với BrahMos

Công cuộc hiện đại hóa tiêm kích cũng đang diễn ra. Dự án đầu tiên là trang bị tên lửa hành trình siêu âm BrahMos cho Su-30MKI. BrahMos là một dự án lớn khác giữa Nga và Ấn Độ, được chế tạo dựa trên tên lửa đối hạm xuất khẩu Yakhont (tại Nga gọi là P - 800 Onyx).

Loại tên lửa này được thiết kế để tiêu diệt nhiều mục tiêu, có tầm hiệu quả lớn (290 km), tốc độ siêu âm (2,8 M), đầu đạn mạnh mẽ (250 kg) và khó bị radar phát hiện. Tên lửa có trọng lượng cơ bản 3.000 kg, bay ở độ cao 10.000 - 14.000m với quỹ đạo thay đổi.

Ấn Độ và câu chuyện Su-30MKI (tiếp theo và hết) - 3

Tên lửa BrahMos.

Tên lửa mới ứng dụng nguyên lý "chỉ việc nhấn nút" vì tự tìm mục tiêu. BrahMos trang bị cho máy bay có trọng lượng nhẹ hơn 500 kg. Theo các chuyên gia, loại tên lửa tương tự về tốc độ siêu âm và tầm bắn hiện chưa có trên thế giới. So với các tên lửa cùng loại, BrahMos có những ưu điểm vượt trội như tốc độ nhanh gấp ba lần, tầm bắn xa hơn 2,5 lần và thời gian phản ứng nhanh hơn từ 3 - 4 lần.

Chiếc tiêm kích cải tiến đầu tiên để thử nghiệm bản BrahMos lắp trên máy bay được bàn giao cho Không quân Ấn Độ tháng 2/2015. Tổ hợp Su-30MKI + BrahMos có khả năng vượt trội khi tấn công các mục tiêu trên biển trang bị hệ thống phòng không mạnh.

Theo Duy Trinh/baotintuc.vn

Ấn Độ và câu chuyện Su-30MKI (tiếp theo và hết) - 4