1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ và câu chuyện Su-30MKI

Su-30SM là một trong những loại máy bay chiến đấu thuộc phiên chế của Không quân Nga.

Loại tiêm kích đa năng rất cơ động này là biến thể mới nhất trong gia đình Su-27 chế tạo tại Nhà sản xuất máy bay Irkut (IAZ) của Tổng công ty Irkut. Su-30SM có lịch sử ra đời đầy thú vị, liên quan chặt chẽ với những thăng trầm trong lịch sử nước Nga.

Không có gì bí mật khi đối với nhiều doanh nghiệp quốc phòng Nga, xuất khẩu là phương thức duy nhất để tồn tại trong thời gian Lực lượng vũ trang Liên bang Nga hầu như không có tiền mua sắm vũ khí mới. Khi đó, Nga trang bị vũ khí cho các nước khác, song chẳng thể nâng cấp đội quân của mình. Tuy nhiên, các hợp đồng xuất khẩu cho phép doanh nghiệp Nga đã tạo tiền đề sản xuất các vũ khí tiên tiến hơn cho quân đội Nga khi có tiền tái vũ trang. Còn với những nước như Ấn Độ, với khoản đầu tư "nhìn xa trông rộng” này, ngày nay họ đã có thể hấp thụ những công nghệ vũ khí tiên tiến của Nga như tiêm kích đa năng Su-30MKI hay tên lửa siêu âm BrahMos.

Chưa từng có

Chế tạo Su-30MK tại nhà máy Irkut là một trong những câu chuyện thú vị nhất của ngành công nghiệp máy bay hậu Xô viết. Hai nhà lãnh đạo - Tổng Giám đốc Liên hiệp chế tạo máy bay Irkut, Alexei Fedorov và Tổng công trình sư Cục thiết kế (OKB) Sukhoi, Mikhail Simonov đã được xem như những "cây đa" trong ngành chế tạo máy bay Nga. Sau đó, đóng vai trò quan trọng phát triển chương trình là Chủ tịch Tổng công ty Irkut, Oleg Demchenko. Dưới sự lãnh đạo của ông, dòng Su-30 do Irkut chế tạo đã lọt vào mắt xanh của Bộ Quốc phòng Nga.

 

Ấn Độ và câu chuyện Su-30MKI - 1

 

Máy bay Su-30MK.

 

Su-30MKI (MK: chữ cái đầu của từ 'hiện đại hóa, thương mại', và chữ cái tiếp theo (I) là Ấn Độ) là mẫu máy bay đa năng đầu tiên được Nga đưa vào sản xuất hàng loạt. Thời Liên Xô, những cỗ máy như vậy chưa xuất xưởng. Chúng có thể giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu như đánh chặn, tiêm kích chiến thuật, tạo ưu thế trên không, máy bay tấn công. Trong điều kiện lịch sử mới, với cả thị trường trong và ngoài nước, Nga cần tạo ra những máy bay chiến đấu linh hoạt hơn - đa chức năng.

Ban đầu, chương trình Su-30MKI nhằm cứu vãn Nga tại một trong những thị trường máy bay chiến đấu hấp dẫn nhất - Ấn Độ. Vấn đề nằm ở chỗ thị trường Ấn Độ có tính cạnh tranh cao. Việc cung cấp cho thị trường này các loại máy bay từ thời thập niên 1990 là điều không thể. Ấn Độ không hề là đối tác mua vũ khí đơn giản. Trong chương trình Su-30MKI, Ấn Độ muốn đóng vai trò khách hàng mới, xác lập những yêu cầu đối với máy bay, cũng như tham gia chế tạo máy bay theo giấy phép.

Cỗ máy đổi mới

Yêu cầu của Không quân Ấn Độ khi đó đặc biệt cao. Họ đòi hỏi sử dụng tối đa trong quá trình phát triển Su-30MKI những tiến bộ công nghệ của ngành hàng không và công nghiệp điện tử Nga tính tới thời điểm đó.

 

Ấn Độ và câu chuyện Su-30MKI - 2

 

Chế tạo Su-30MK là một trong những câu chuyện thú vị nhất của ngành công nghiệp máy bay hậu Xô viết.

 

Su-30MKI trở thành tiêm kích siêu cơ động sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới sử dụng động cơ điều khiển vector lực đẩy AL-31FP, hệ thống điều khiển từ xa tiên tiến, cũng như các phát triển của Nga về khí động học. Su-30MK sử dụng hai động cơ phản lực AL-31FP đối xứng. Lực nâng 25.000kg để có thể bay ngang với vận tốc siêu thanh 2M (2.450 km/h) ở độ cao lớn và vận tốc 1.350 km/h ở độ cao thấp.

Trước Su-30MKI, không một tiêm kích xuất khẩu nào trên thế giới trang bị radar pha chủ động từng giai đoạn (FAR). Công nghệ này thuộc về máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm mà khi đó Không quân Mỹ chỉ giới hạn ứng dụng cho số lượng máy bay chiến đấu nhất định. Hệ thống ngắm radar tích hợp với FAR trên Su-30MKI có thể cùng lúc phát hiện và giám sát 15 mục tiêu trên không, đồng thời tấn công 4 trong số đó. Điểm đáng chú ý khác là trên Su-30MKI, lần đầu tiên Nga lắp đặt hệ thống điện tử cấu trúc mở.

Vào thời điểm triển khai chương trình, Nga chưa có một số hệ thống điện tử đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Ấn Độ. Vì vậy, lần đầu tiên nước này quyết định sử dụng các chi tiết do phương Tây sản xuất. Tiến trình này được Cục thiết kế Sukhoi, Cục thiết kế chế tạo thiết bị Ramensk cùng các công ty khác của Nga thực hiện rất thành công.

Ăn khách

Tuy nhiên, những khó khăn trong dự án vượt xa khuôn khổ công nghệ. Nó đòi hỏi các biện pháp quản lý phi chuẩn mực. Lần đầu tiên một chương trình phức tạp như vậy được tổ chức bởi một doanh nghiệp thương mại - IAPO, vốn vào đầu những năm 1990 trở thành công ty cổ phần và chưa đề ra các kế hoạch dài hơi. Ngoài việc phát triển và giao hàng, IAPO còn phải chuyển giao tài liệu, hình thành năng lực sản xuất, cơ sở hạ tầng vận hành, đào tạo chuyên gia để cấp phép chế tạo tại công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ. Trước đó tại Nga, công việc quy mô như vậy được tổ chức và điều phối ở cấp bộ.

Một khó khăn khác là IAPO phải tự hình thành chuỗi các công ty chế tạo thiết bị trong nước. Và cuối cùng, IAPO cũng phải tự giải quyết vấn đề tài chính liên quan đến phát triển, thử nghiệm và chuẩn bị sản xuất hệ thống chiến đấu mới.

Bất chấp những khó khăn này, năm 2002, chiếc Su-30MKI đầu tiên được chuyển giao cho Không quân Ấn Độ. Cỗ máy đủ nhanh và trở thành "ngọn cờ đầu" của Không quân Ấn Độ. Một loạt các hợp đồng tiếp theo được ký theo sáng kiến của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, đưa tổng số đơn hàng lên 272 chiếc Su-30MKI. Kinh nghiệm tích cực của Ấn Độ giúp Tổng công ty Irkut có thêm hai khách hàng mới là Algeria và Malaysia. Cần lưu ý đây cũng là những khách hàng "khó tính" bởi họ có thể chọn giữa công nghệ của Nga và phương Tây.

(Còn tiếp)

Theo Duy Trinh/baotitnuc.vn

Ấn Độ và câu chuyện Su-30MKI - 3