1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ trong cuộc cạnh tranh ở “sân sau” Ấn Độ Dương

(Dân trí) - Ấn Độ không giấu giếm ý định tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với khả năng Trung Quốc tiến ra Ấn Độ Dương thời gian tới, đặc biệt là sau các thông tin về việc Trung Quốc thử tàu sân bay đầu tiên - động thái cũng khiến các nước lo ngại.

 
Ấn Độ trong cuộc cạnh tranh ở “sân sau” Ấn Độ Dương  - 1

Ấn Độ Dương - địa bàn chủ đạo?

Giới chuyên gia cho rằng Ấn Độ Dương sẽ trở thành địa bàn chủ đạo trong nền chính trị thế giới thế kỷ 21, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng chiến lược của mình trong khu vực, kể cả việc tìm cách thâm nhập lâu dài khu vực này.

Ấn Độ Dương được coi là “sân sau” của Ấn Độ. Cuộc tranh giành ảnh hưởng ở khu vực này thực ra đã diễn ra suốt mấy thập kỷ nay và đặc biệt gay gắt thời gian gần đây, trong bối cảnh Trung Quốc có kế hoạch xây dựng loạt cảng biển ở Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar.

Theo nhận định của giới phân tích khu vực, việc thực thi kế hoạch đó sẽ khiến cho Ấn Độ trong những năm tới bị bao vây bởi hàng loạt căn cứ hải quân của Trung Quốc. Phân tích này càng được củng cố khi hiện tại, việc triển khai xây dựng các căn cứ tiềm năng cho hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương đã được hỗ trợ bằng hoạt động thử nghiệm chiếc tàu sân bay đầu tiên trong lịch sử nước này.

Chuyên gia nghiên cứu cao cấp Robert Kaplan thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Washington, ông Robert Kaplan từng nhận định rằng Trung Quốc kỳ vọng Mỹ hiện diện nhiều ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương bởi nếu không, sẽ dễ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trung Quốc cũng từng biết rằng khi lực lượng hải quân nước này chưa đủ mạnh thì cần phải "để ngỏ" việc bảo vệ các tuyến đường biển cho hải quân và không quân Mỹ. “Tuy nhiên, trong tương lai, Trung Quốc sẽ không còn kỳ vọng vào sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương nữa mà thay vào đó tìm cách đối lại với Mỹ như tăng số lượng tàu ngầm, tàu chiến cùng các trang thiết bị sử dụng trong chiến tranh trên không và trên biển”, ông Robert Kaplan nói.

Như nhiều chuyên gia nhận xét, động thái mới nhất của Bắc Kinh - việc thử tàu sân bay, chỉ là động thái tượng trưng nhằm chứng tỏ rằng Trung Quốc không chỉ muốn tham gia cuộc đấu mà còn sẵn sàng bám trụ thống trị ở khu vực này bằng lực lượng quân sự hùng hậu.

Ấn Độ Dương không phải là vùng biển duy nhất Trung Quốc có mối quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng. Gần đây, Trung Quốc còn có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với các nước láng giềng.

Tuy nhiên, Ấn Độ Dương có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực vì vùng biển này là tuyến vận chuyển hàng hóa cơ bản, đặc biệt là năng lượng, từ Trung Đông đến Đông Á

Ấn Độ thể hiện sự lo ngại đặc biệt với ý đồ của Trung Quốc.

Vấn đề thời gian

Sau tuyên bố thử tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hôm 10/8, Ấn Độ cho rằng tàu sân bay Varyag (chưa có tên chính thức của Trung Quốc) trong tương lai sẽ được triển khai tới Ấn Độ Dương. Dù vậy, New Delhi tin là việc này sẽ còn phải mất thêm một thời gian và họ sẽ tận dụng khoảng thời gian đó để tăng cường sức mạnh hải quân.

Ấn Độ đã có các tàu chiến vươn tới tận eo biển Mozampic về phía tây nam của Ấn Độ và cả ở biển Đông về phía đông nam.

Hiện nay, Ấn Độ mới chỉ có 1 tàu sân bay nhưng đã có kế hoạch tăng lên thành 4 tàu trong thời gian tới. Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ hoàn thành việc tự chế tạo tàu sân bay trong tháng 12 năm nay, trong khi sẽ nhận tàu khác từ Nga trong tháng 12 năm tới.

Bên cạnh đó, New Delhi cũng đẩy nhanh kế hoạch tự sản xuất và mua thêm một số tàu ngầm và tàu khu trục từ nước ngoài.

Từ tháng 4/2010, Ấn Độ đã đưa vào sử dụng tàu khu trục INS Shivalik được trang bị công nghệ tàng hình và sắp sửa hoàn thành chiếc tàu thứ 2 ngay trong tháng 8 này.

Ông Robert Kaplan dự đoán có lẽ New Delhi sẽ vươn từ vị trí có lực lượng hải quân lớn thứ năm trên thế giới lên vị trí thứ ba. Còn theo Boris Volkhonski, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, trong bối cảnh ngày nay, những động thái trên có thể hiểu là tiềm năng bùng phát cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương giữa hai cường quốc khu vực là Ấn Độ và Trung Quốc.

Những phân tích của các chuyên gia quân sự khu vực và phương Tây từ đầu năm tới nay cho rằng Ấn Độ đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội để cạnh tranh với Trung Quốc và tăng sức ép đối với Pakistan.

Chi phí quân sự năm 2010-2011 của Ấn Độ là 32 tỷ USD, chiếm 2,5% GDP, lớn hơn nhiều so với chi phí quân sự của các nước Nam Á khác. Chỉ vài ngày sau khi Ấn Độ ấn định mức chi ngân sách quân sự trên, Trung Quốc cũng tuyên bố ngân sách quốc phòng của nước này trong năm 2011 tăng 12,7% lên mức 91,5 tỷ USD.

Trung Quốc trấn an Ấn Độ khi nói rằng việc Trung Quốc tăng chi phí quốc phòng không nhằm vào Ấn Độ. Tuy nhiên, giới nghiên cứu quân sự Ấn Độ cho rằng New Delhi có lý do để lo ngại. Theo một báo cáo công bố hồi tháng 3 của Ấn Độ, New Delhi có thể chi tới 120 tỷ USD trong 5 năm tới để hiện đại hóa quân đội.

Riêng về Hải quân, Ấn Độ có kế hoạch từ nay đến năm 2022 sẽ mua số lượng máy bay chiến đấu và trực thăng trị giá 7,5 tỷ USD.

Ấn Độ cũng đang triển khai kế hoạch mua thêm 126 máy bay chiến đấu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Ấn Độ triển khai một hợp đồng lớn như vậy. Ngoài ra, từ nay đến năm 2017, Ấn Độ sẽ chi gần 48 tỷ USD để mua các loại máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, máy bay vận tải và máy bay huấn luyện.

Lục quân Ấn Độ đang nỗ lực hiện đại hóa và huấn luyện bộ binh sử dụng các vũ khí công nghệ cao cũng như tác chiến ở tất cả các điều kiện địa hình và thời tiết, trong điều kiện chiến tranh thành phố và môi trường chiến tranh điện tử. Gần đây, Lục quân đã mua một hệ thống thông tin liên lạc và máy tính thống nhất để trang bị cho toàn quân. Toàn bộ việc mua sắm trang thiết bị tiêu tốn hơn 3 tỷ USD.

Nguyễn Viết
Tổng hợp