1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ trở thành khách mua vũ khí lớn nhất của Mỹ

(Dân trí) - Năm 2013, Ấn Độ đã trở thành khách hàng nước ngoài lớn nhất trên thị trường vũ khí Mỹ với tổng giá trị nhập khẩu thiết bị quân sự từ Mỹ lên tới 1,9 tỷ USD.

Máy bay vận tải chiến lược C-17A nằm trong số lô vũ khí Mỹ bán cho Ấn Độ.
Máy bay vận tải chiến lược C-17A nằm trong số lô vũ khí Mỹ bán cho Ấn Độ.

Tờ Financial Times ngày 25/2 cho biết Ấn Độ đã “soán ngôi” của Saudi Arabia trở thành khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ, trong khi Mỹ tiếm ngôi của Nga trở thành nước cung cấp nhiều vũ khí nhất cho Ấn Độ.

“Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi căn bản trong số các khách hàng mua vũ khí lớn. Ấn Độ đang vượt trước mọi đối tác”, nhà phân tích cao cấp Ben Moores của HIS Jane’s cho biết.

Theo số liệu thống kê, chỉ trong 4 năm từ 2009 đến 2013, giá trị nhập khẩu vũ khí từ Mỹ của Ấn Độ đã tăng vọt từ 237 triệu USD lên 1,9 tỷ USD. Trong số các thiết bị mua có cả máy bay vận tải chiến lược C-17A và máy bay tuần tra trên biển P-8I.

Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho biết Ấn Độ hiện chiếm gần 10% thị trường quốc phòng toàn cầu trị giá 63 tỷ USD và từ năm 2010 đã vượt Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Tuy nhiên phần lớn số vũ khí nhập khẩu là từ Nga do Ấn Độ có nhu cầu cần thay thế hoặc nâng cấp các trang thiết bị quân sự đã mua của Liên Xô trước đây.

Tuy nhiên, bước sang năm 2013, xu thế này đã đảo chiều từ Nga sang Mỹ. Tổng giá trị nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ trong năm 2013 lên tới 5,9 tỷ USD, trong đó số vũ khí mua của Mỹ là 1,9 tỷ USD.

“Đang tồn tại khoảng cách rất lớn về khả năng quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Vì thế Ấn Độ phải tăng cường mua các vũ khí hiện đại từ Mỹ để khỏa lấp khoảng cách này”, nhà phân tích Moores cho biết thêm.

Cũng theo ông Moores, mặc dù đã nỗ lực tự chế tạo các hệ thống vũ khí công nghệ cao, song Ấn Độ vẫn phải phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu, hiện chiếm hơn một nửa trong tổng ngân sách trang bị quốc phòng 13,4 tỷ USD của nước này.

Trong tuyên bố đưa ra đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony thông báo nước này sẽ không thể mua vũ khí với số lượng lớn cho tới tài khóa tiếp theo, bắt đầu từ ngày 1/4 tới, do đã sử dụng gần hết ngân sách của năm nay.

Ngoài Ấn Độ, các quốc gia Trung Đông cũng tăng cường nhập khẩu thiết bị quân sự với tổng giá trị chiếm 1/3 thị trường vũ khí toàn cầu. Tổng giá trị nhập khẩu vũ khí của Arập Xêút, Oman và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) là 9,3 tỷ USD, cao hơn 8,7 tỷ USD của toàn bộ Tây Âu.

Về giá trị xuất khẩu vũ khí, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới với tổng giá trị trong năm 2013 đạt 25,2 tỷ USD, so với mức 24,9 tỷ USD trong năm trước đó.

Vũ Anh
Theo Financial Times