1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ấn Độ thắt chặt quan hệ với các nước Nam Á

(Dân trí) - Lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) ngày hôm nay sẽ nhóm họp tại thủ đô Kathmandu của Nepal. Giới phân tích đánh giá đây sẽ là cơ hội để Ấn Độ thắt chặt quan hệ với các quốc gia trong khu vực.

 
Thủ tướng Modi hội đàm với người đồng cấp Nepal Sushil Koirala (Ảnh: AFP)
T
Thủ tướng Modi hội đàm với người đồng cấp Nepal Sushil Koirala (Ảnh: AFP)
 
Ngay trước khi diễn ra lễ khai mạc chính thức của hội nghị SAARC, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi cùng người đồng cấp nước chủ nhà Sushil Koirala đã chứng kiến lễ ký kết việc thỏa thuận xây dựng nhà máy thủy điện trị giá 1 tỷ USD của công ty Satluj Jal Vidyut Nigam cho Nepal.
 
Phát biểu sau đó, Thủ tướng Modi cho biết ông muốn "thúc đẩy mạnh hơn nữa" các thỏa thuận bị đình trệ giữa hai nước. Giới phân tích đánh giá thỏa thuận mới được ký kết có thể sẽ được sử dụng làm bàn đạp để Ấn Độ giành lại sự ảnh hưởng tại Nepal, quốc gia đã nhận nhiều khoản đầu tư từ Trung Quốc trong thời gian qua.  
 
Cũng tại thủ đô Kathmandu, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi lần đầu tiên sẽ hội đàm với Tổng thống Afghanistan Asharf Ghani bên lề hội nghị SAARC. Chủ đề chính của cuộc gặp là tình hình an ninh trong khu vực.
 
Theo đó, Ấn Độ muốn gia tăng can dự vào Afghanistan sau khi tổ chức khủng bố al-Qaeda thông báo thành lập một nhánh mới tại khu vực Nam Á và mới đây đã lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ đánh bom đẫm máu ở Karachi.
 
Ngoài ra, một trong những vấn đề được quan tâm nhất ở hội nghị SAARC lần này là khả năng diễn ra cuộc gặp cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Pakistan. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã ra thông báo cho biết lãnh đạo hai nước đã "chào hỏi xã giao" khi tới Kathmandu, song hiện hai bên chưa ấn định lịch hội đàm chính thức.
 
Trước đó, mối quan hệ song phương đã căng thẳng trở lại bởi tình trạng bạo lực tại khu vực Kashmir. Thủ tướng Modi từng cảnh báo "tình hình ở Kashmir đã thay đổi theo thời gian và Ấn Độ sẽ không chấp nhận những thói quen cũ kỹ của họ".    

Nhận xét về những động thái của Ấn Độ trước hội nghị SAARC, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Nepal, ông Sujeev Shakya, cho rằng: "Vấn đề chính của SAARC chính là mối quan hệ cơ bản giữa Ấn Độ và Pakistan, cũng như tình hình tại Afghanistan và ảnh hưởng của hai nước này tới Afghanisttan. Mọi chuyện sẽ được cải thiện nếu SAARC thay đổi cơ cấu và thảo luận về khả năng xây dựng một liên minh thương mại giữa Bhutan, Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Myanmar".

Theo số liệu chính thức của SAARC, giao dịch thương mại giữa các quốc gia thuộc hiệp hội này, bao gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Maldives, Pakistan và Sri Lanka, đã tăng từ dưới 140 triệu USD vào năm 2008 lên tới 878 triệu USD vào năm 2012. Tuy nhiên, số liệu của Viện Brookings cho biết con số này chưa bằng 5% tổng giá trị thương mại của cả khu vực. Do vậy, giới phân tích cho rằng Ấn Độ cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thương mại trong khu vực nếu muốn gia tăng ảnh hưởng trong thời gian tới.

Ngọc Anh
Theo AFP