Ấn Độ tê liệt vì quá nửa đất nước mất điện
(Dân trí) - Một trong những sự cố mất điện lớn nhất thế giới đã làm một nửa đất nước Ấn Độ bị tê liệt, buộc 670 triệu người phải sống trong bóng tối và khiến phần lớn hệ thống giao thông bị đình trệ.
Tình trạng tắc nghẽn giao thông tại thủ đô New Delhi do mất điện.
Sự cố mất điện tại Ấn Độ bắt đầu vào chiều 30/7 khi một hệ thống lưới điện miền bắc bất ngờ ngừng hoạt động. Nhưng đến hôm qua, cuộc khủng hoảng đã lan sang miền đông và đông bắc Ấn Độ khi 2 hệ thống lưới đện khác cũng gặp sự cố.
Việc 3 hệ thống lưới điện ngừng hoạt động đã khiến hơn một nửa đất nước bị mất điện, ảnh hưởng tới 20 trong tổng số 28 bang của Ấn Độ, và làm đảo lộn cuộc sống của khoảng 670 triệu người.
Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Sushil Kumar Shinde đã cáo buộc rằng cuộc khủng hoảng bùng phát là do các bang sử dụng quá nhiều điện từ lưới điện quốc gia.
Trong một tuyên bố trên truyền hình vào tối qua, ông Shinde cho hay ông đã yêu cầu các bang chấm dứt tình trạng sử dụng điện nhiều hơn hạn ngạch được cấp. “Tôi đã yêu cầu các quan chức phạt những bang sử dụng quá hạn ngạch”, ông nói.
Tuy nhiên, các quan chức tại Uttar Pradesh đã bác bỏ thông tin trên, khẳng định không có lý do gì để tin như vậy.
Ông Anil K Gupta, chủ tịch công ty điện quốc gia, đã kêu gọi một cuộc điều tra để tìm ra nguyên nhân thật sự của sự cố mất điện nghiêm trọng này.
Nhưng việc các hệ thống lưới điện ngừng bị hoạt động hoàn toàn như lần này là rất hiếm. Sự cố nghiêm trọng gần đây nhất là hệ thống lưới điện ở miền bắc bị sự cố hồi năm 2001.
Nhu cầu điện năng của Ấn Độ đã tăng mạnh trong những năm gần đây khi nền kinh tế phát triển nhưng cơ sở hạt tầng điện không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng.
Mặc dù Ấn Độ đã đầu tư mạnh vào ngành điện nhưng dự báo nước này sẽ còn đối mặt với tình trạng thiếu hụt điện năng trong tương lai.
Tổng hợp