1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ấn Độ sắp chạy thử tàu ngầm hạt nhân tự chế đầu tiên

(Dân trí) - Ấn Độ sắp đưa vào chạy thử tàu ngầm hạt nhân tự chế đầu tiên, điều được Thủ tướng Manmohan Singh gọi là “bước tiến vĩ đại” về phát triển năng lực kỹ thuật của nước này.

Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do Ấn Độ tự chế tạo INS Arihant.
Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do Ấn Độ tự chế tạo INS Arihant.

Thủ tướng Manmohan Singh hôm qua nói rằng tàu ngầm tự tạo đầu tiên của Ấn Độ INS Arihant đã sẵn sàng chạy thử trên biển, một bước chuẩn bị trước khi đưa tàu vào hoạt động chính thức.

Ông mô tả đây là "một bước tiến vĩ đại trong quá trình phát triển các năng lực kỹ thuật to lớn của Ấn Độ", đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ sớm được thấy tàu INS Arihant đi vào hoạt động.

Tàu INS Arihant (Hủy diệt kẻ thù) nặng 6.000 tấn, dài 112 m và được Ấn Độ công bố năm 2009 trong một phần của dự án chế tạo 5 tàu hạt nhân.

Khi đó, Thủ tướng Manmohan Singh đã ca ngợi đây là một “cột mốc lịch sử trong việc củng cố khả năng sẵn sàng phòng vệ của đất nước”, nhưng đồng thời khẳng định việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân này không nhằm “gây thù, chuốc oán” với bất kỳ quốc gia nào.

“Chúng tôi không có ý gây hấn hay đe dọa bất cứ ai mà chỉ muốn thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ đất nước và bắt kịp với những tiến bộ công nghệ của thế giới”, ông nói trong buổi lễ giới thiệu tàu INS Arihant tại cảng hải quân Matsya ở Vishakapatnam.

"Chúng ta tìm kiếm một môi trường hòa bình trong khu vực của chúng ta và hơn cả thế là điều này phù hợp với sự phát triển hòa bình, góp phần bảo vệ các hệ thống giá trị của chúng ta”, Thủ tướng Singh nói thêm.

Tàu INS Arihant được cung cấp năng lượng bởi một lò phản ứng hạt nhân công suất 85 megawatt, có thể đạt vận tốc 24 hải lý/giờ và mang theo 95 thành viên thủy thủy đoàn. Tàu được trang bị nhiều ngư lôi và tên lửa, trong đó có 12 tên lửa đạn đạo.

Với việc công bố và nay sắp cho chạy thử tàu ngầm hạt nhân này, Ấn Độ đã tự hoàn thiện được các năng lực phòng vệ hạt nhân cả ở trên bộ, trên không và trên biển, qua đó nâng cao đáng kể vị thế chiến lược trong khu vực vốn đang chứng kiến sự nổi lên gây nhiều mâu thuẫn của Trung Quốc.

Việc đóng 4 tàu ngầm hạt nhân còn tại trong dự án cũng đã được chính phủ Ấn Độ bắt đầu khởi động và sẽ được phiên chế vào lực lượng hải quân trong vài năm tới.

Ấn Độ chính thức gia nhập câu lạc bộ các nước có tàu ngầm hạt nhân  với Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Anh và Nga sau khi đưa một tàu ngầm thuê của Nga vào hoạt động từ năm 2012.

Vũ Anh
Theo AFP