1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ phóng thành công tàu thám hiểm mặt trăng

(Dân trí) - Vào sáng sớm nay theo giờ địa phương, Ấn Độ đã phóng tàu thám hiểm mặt trăng không người lái đầu tiên của nước này và đây được xem là một bước đi quan trọng trong tham vọng vũ trụ của quốc gia Nam Á.

Con tàu vũ trụ không người lái Chandrayaan 1 đã rời khỏi bệ phóng tại Sriharikot, bang Andhra Pradesh thuộc phía nam đất nước vào lúc 6h20 phút sáng giờ địa phương. Sự kiện này là bước khởi đầu cho một sứ mệnh thám hiểm kéo dài 2 năm nhằm tạo nền tảng cho các chuyến thám hiểm vũ trụ tiếp theo của Ấn Độ.

 

Đông đảo các nhà khoa học đã có mặt tại địa điểm phóng để theo dõi con tàu Chandrayaan 1 rời khỏi trái đất. Sự kiện này đã được phát sóng trực triếp trên truyền hình quốc gia.

 

Tàu thăm dò Chandrayaan-1 do Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) chế tạo với chi phí khoảng 78 triệu USD. Chandrayaan 1 sẽ bay quanh quỹ đạo Mặt trăng, xây dựng bản đồ 3D bề mặt mặt trăng và vẽ bản đồ phân bổ các nguyên tố và khoáng sản trên hành tinh này.

 

Nhiệm vụ chính của Chandrayaan là tìm kiếm nước đá trên bề mặt hoặc dưới bề mặt của mặt trăng, đặc biệt là tại các cực. Nhiệm vụ nữa là tìm kiếm Helium 3, một chất đồng vị hiếm có trên trái đất nhưng nó được cho là giúp cung cấp năng lượng cho quá trình tổng hợp hạt nhân và có thể là nguồn năng lượng quý giá trong tương lai.

 

Sứ mệnh cạnh tranh

 

Việc phóng tàu thăm dò Chandrayaan 1 được cho là một bước đi quan trọng của Ấn Độ trong việc đuổi kịp các quốc gia châu Á về thám hiểm vũ trụ.

 

Khi nền kinh tế của Ấn Độ bùng nổ trong những năm gần đây, quốc gia Nam Á đã tìm cách đầu tư nguồn tiền mới kiếm được - nhờ lĩnh vực công nghệ cao - sang lĩnh vực quân sự và chính trị với tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Ấn Độ hi vọng sứ mệnh mặt trăng - diễn ra chỉ vài tháng sau khi New Delhi hoàn thành một thỏa thuận với Washington nhằm công nhận Ấn Độ là một cường quốc hạt nhân - sẽ tăng cường thêm vị thế của nước này.

 

Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã để mắt tới thị phần trong lĩnh vực phóng vệ tinh thương mại và coi chương trình vũ trụ của họ là một biểu tượng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và vị thế trên trường quốc tế.

 

Cho tới nay, chỉ có Mỹ, Nga, Cơ quan vũ trụ châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc là đã thực hiện các chuyến thám hiểm trên mặt trăng. Năm ngoái, các quốc gia châu Á đã có những bước tiến đáng kể trong việc thám hiểm mặt trăng. Hồi tháng 10/2007, Nhật Bản đã phóng tàu thám hiểm mặt trăng Kaguya. Một tháng sau đó, tàu Hằng Nga1 của Trung Quốc cũng bay vào quĩ đạo.

 

Và trong khi cuộc đua mặt trăng vào những năm 1960 chỉ là cuộc thi đua tay đôi giữa Mỹ và Liên Xô cũ, thì ngày nay nhiều nước đã tham gia sứ mệnh này. Đặc biệt, Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc trong chương trình vũ trụ.

 

Hồi năm 2003, Bắc Kinh đã khiến nhiều nước bất ngờ khi trở thành quốc gia châu Á đưa phi hành gia của mình vào vũ trụ. Sau đó là cuộc đi bộ ngoài không gian đầu tiên hồi tháng trước.

 

Dù đây là chuyến thám hiểm vũ trụ đầu tiên ngoài quỹ đạo trái đất của Ấn Độ, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Ấn Độ tin rằng nước này sẽ nhanh chóng đuổi kịp Trung Quốc.

 

Madhavan Nair, Tổng Giám đốc cơ quan Không gian Ấn Độ, nói: "So với Trung Quốc, chúng tôi vượt trội trong nhiều lĩnh vực". Ông Madhavan Nair nói thêm, Ấn Độ tụt lại ở phía sau chỉ vì nước này không tập trung vào các sứ mệnh không gian đắt tiền. “Nhưng nếu được đầu tư thích đáng, chúng tôi sẽ dễ dàng bắt kịp quốc gia láng giềng châu Á trong lĩnh vực này”.

 

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều ủng hộ các tham vọng vũ trụ của chính phủ Ấn Độ. Một số người chỉ trích coi chương trình vũ trụ là sự lãng phí tiền của tại một đất nước mà hàng triệu người vẫn thiếu các dịch vụ cơ bản.

 

VTH

Theo AP, BBC