Ấn Độ - Pakistan nổ súng tại Kashmir, 9 người thiệt mạng
(Dân trí) - Quân đội Ấn Độ và Pakistan đã nổ súng dọc theo đường ranh giới phân chia khu vực tranh chấp Kashmir trong 2 ngày cuối tuần qua khiến 9 người gồm quân nhân và thường dân thiệt mạng.
Theo Washington Post, trong 2 ngày 19-20/10, cuộc đụng độ quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan dọc đường ranh giới phân chia ở Kashmir (LoC) đã khiến 9 người thiệt mạng.
Đây là một trong những vụ việc gây chết người nhiều nhất trong năm nay diễn ra tại LoC, nơi 2 bên thường có các cuộc đụng độ với vũ khí hạng nhẹ và hỏa lực.
Một phát ngôn viên của quân đội Pakistan phát biểu hôm 20/10 cho biết 5 thường dân và 1 quân nhân của họ đã thiệt mạng. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ phát đi thông báo nói rằng 2 quân nhân và 1 thường dân đã chết vì vụ việc cuối tuần qua.
Vụ nổ súng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 quốc gia hạt nhân láng giềng ngày càng gia tăng. Tháng 8, Ấn Độ rút cơ chế tự trị ở vùng Kashmir, chặn đường dây thông tin liên lạc tại đây. Động thái này đã khiến Pakistan nổi giận vì họ tự coi minh là người bảo vệ cho những người theo Hồi giáo ở Kashmir.
Bản đồ cho thấy khu vực tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan (Ảnh: BBC)
Ấn Độ cáo buộc Pakistan đã châm ngòi cho một cuộc nổi dậy kéo dài 3 thập niên chống lại sự quản lý của Ấn Độ tại Kashimir khi Islamabad điều quân và vũ khí dọc đường ranh giới phân chia Kashmir. Pakistan bác bỏ cáo buộc này.
Trong sự kiện cuối tuần qua, cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố đã giết nhiều quân nhân ở phía còn lại hơn những gì được công bố, tuy nhiên, những số liệu này chưa được xác minh.
Đại diện quân đội Ấn Độ nói rằng vụ nổ súng bắt đầu khi các phía Pakistan cố gắng vượt qua ranh giới để sang phía lãnh thổ cho Ấn Độ kiểm soát. Islamabad đã bác bỏ điều này và cáo buộc Ấn Độ đã nổ súng vô cớ.
Kashmir đã bị chia cắt làm đôi kể từ năm 1947. Ấn Độ và Pakistan mỗi bên kiểm soát một phần khu vực. Cả hai bên đều khẳng định đây là lãnh thổ hợp pháp và trong nhiều năm qua, 2 quốc gia láng giềng Nam Á đã không ít lần tranh chấp về việc này.
Hai bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2003 và trong một vài năm, tình hình đã dịu lại. Tuy nhiên, từ năm 2014, các trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn có dấu hiệu gia tăng.
Đức Hoàng
Theo Washington Post