1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ấn Độ nói Trung Quốc âm mưu bá chủ châu Á

(Dân trí) - Tương tự như khi tuyên bố điều tàu ngầm đến Ấn Độ Dương hồi năm ngoái, Trung Quốc mới đây lại khiến cả châu Á-Thái Bình Dương phải bất ngờ khi tiết lộ nước này đang tìm cách vươn đến vùng Sừng châu Phi với một kế hoạch lập căn cứ quân sự tại đây.

Trung Quốc đang muốn giành vị trí bá chủ tại Biển Đông và Ấn Độ Dương. (Ảnh minh họa:

Trung Quốc đang muốn giành vị trí bá chủ tại Biển Đông và Ấn Độ Dương. (Ảnh minh họa: TOI)

Times of India (TOI) đưa tin Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh mới đây tuyên bố đang thảo luận với Trung Quốc về một căn cứ hải quân tại thị trấn cảng Obock tại đất nước nằm ở vùng Sừng châu Phi, từng là thuộc địa của Pháp và là nơi Mỹ đặt một căn cứ hải quân này.

Từ trước tới nay, không dễ gì để tìm hiểu các kế hoạch quốc phòng hay mở rộng hiện diện quân sự của Trung Quốc. Và lần này cũng vậy, Trung Quốc không phủ nhận mà cũng không xác nhận thông tin do phía Djibouti đưa ra. Bắc Kinh chỉ tuyên bố “đang tìm cách đóng góp nhiều hơn vào nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định của khu vực”.

Hồi tuần trước, một quan chức cấp cao của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã cho biết "quan điểm chính thức" là Bắc Kinh chưa tìm cách mở bất kỳ một căn cứ quân sự nào. Trong khi đó, các quan chức khác lại mở ra một viễn cảnh Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương, dưới danh nghĩa các hoạt động chống cướp biển, trải dài đến vịnh Aden.

TOI dẫn phân tích của chuyên gia chiến lược Brahma Chellaney, người có danh tiếng trong giới chuyên môn Ấn Độ, cho hay việc Trung Quốc đàm phán mở căn cứ hải quân ở Djibouti - nước nhìn ra eo biển hẹp Bab al-Mandeb – là một phần trong đại kế hoạch Ấn Độ Dương của Trung Quốc.

"Kế hoạch này bao gồm Con đường tơ lụa trên biển (MSR) của Trung Quốc, dự án dang thách thức Ấn Độ tại chính khu vực vùng biển sân sau nước này", nhà nghiên cứu Chellaney nói và bổ sung Trung Quốc chính là mối đe dọa quân sự từ phía nam Ấn Độ.

Cùng lúc với kế hoạch thiết lập căn cứ quân sự tại Sừng châu Phi, Trung Quốc cũng roá riết "thay đổi hiện trạng" trên Biển Đông nhằm đạt được vị thế mặc cả tốt hơn so với các cường quốc hải quân tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Với yêu sách “đường chín đoạn” đầy phi lý, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của nhiều quốc gia láng giềng.

Philippines đã đưa vụ tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế nhưng Bắc Kinh từ chối không tham gia vụ kiện. Giới phân tích nhận định Bắc Kinh đang tăng tốc cải tạo đất dường như để tránh tác động không mong muốn từ phán quyết bất lợi.

"Trung Quốc đang tìm cách hiện thực hóa yêu sách “đường chín đoạn” và giành chủ quyền với toàn bộ các thực thể bên trong phạm vi này thông qua hoạt động cải tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sau khi hoàn thành, Bắc Kinh có thể thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn bộ Biển Đông, một chuyên gia Singapore giấu tên nhận định.

Theo chuyên gia Chellaney, Trung Quốc đang theo đuổi vị trí bá chủ tại châu Á, bao gồm cả Biển Đông và Ấn Độ Dương, hai tuyến đường giao thông hàng hải quan trọng và tấp nập nhất trên thế giới.

Toi dẫn báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc cho biết Bắc Kinh muốn mở rộng hoạt động ở Ấn Độ Dương và có kế hoạch thiết lập nhiều điểm tiếp cận tại khu vực này trong 10 năm tới. “Trung Quốc có thể ký tiến vào Ấn Độ Dương thông qua các thỏa thuận tiếp nhiên liệu, cho thủy thủ đoàn nghỉ cân hay bảo trì ở mức độ thấp”, báo cáo trên cho biết.

TOI cho hay hiện Ấn Độ và Mỹ đang lo ngại những sáng kiến của Trung Quốc như Con đường tơ lụa trên biển và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) sẽ là những phương cách để nước này hiện thực hóa các tham vọng chiến lược. Ấn Độ đã đồng ý tham gia AIIB với tư cách là thành viên sáng lập nhưng từ chối tham gia Con đường tơ lụa trên biển.

Thoa Phạm
Theo TOI

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm