Ấn Độ muốn bắt tay Mỹ phát triển vũ khí công nghệ cao
(Dân trí) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thúc đẩy việc hợp tác với Mỹ nhằm phát triển vũ khí công nghệ cao khi ông tới thăm Nhà Trắng vào ngày mai 30/9, một thay đổi quan trọng trong mối quan hệ "mua và cung cấp" của Ấn Độ với Mỹ.
Một quan chức từ Bộ ngoại giao Ấn Độ cho hay ông Modi cũng sẽ thảo luận sự hợp tác lớn hơn của các công ty quốc phòng Mỹ và Ấn Độ khi ông gặp Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng.
Theo các nhà phân tích quốc phòng, chính phủ của Thủ tướng Modi sẽ không đơn thuần trao các đơn đặt hàng vũ khí béo bở cho Mỹ như chính phủ trước đây của Ấn Độ từng làm. Thay vào đó, ông Modi sẽ hối thúc sự hợp tham gia hơn giữa các công ty quốc phòng Mỹ trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác với các công ty quốc phòng Ấn Độ để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.
Trong 10 năm, Ấn Độ đã mua 10 tỷ USD vũ khí của Mỹ.
"Sau trực thăng Apache và các trực thăng vận tải bổ sung C-17, một chính sách mua sắm chọn lọc hơn sẽ được đưa ra sau mong muốn phát triển chung trong các hệ thống công nghệ tiên tiến hơn, thay vì các đề nghị nhằm cải tiến các thiết bị công nghệ tương đối thấp, như tên lửa chống tăng Javelin", ông Bharat Karnad, một giáo sư về nghiên cứu an ninh quốc gia tại Trung tâm nghiên cứu chính sách của Ấn Độ, nói.
Rajeswari Pillai Rajagopalan, một chuyên gia về nghiên cứu an ninh tại Quỹ nghiên cứu Người quan sát, hi vọng rằng quan hệ Trung-Ấn sẽ hướng tới sự phát triển chung.
Sáng kiến công nghệ và thương mại quốc phòng (DTTI), cơ quan chịu trách xem xét các lĩnh vực hợp tác chung về quốc phòng của Ấn Độ, hiện đang có vài dự án vũ khí, trong đó có việc phát triển chung một thế hệ mới các tên lửa Javelin, trực thăng MH-60R và máy bay do thám. Sáng kiến này sẽ được thảo luận trong các cuộc hội đàm của ông Modi.
Một nguồn tin trong Tổ chức phát triển nghiên cứu quốc phòng (DRDO) cho hay một nỗ lực trong 4 năm qua nhằm hợp tác với hãng Raytheon của Mỹ để cùng phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo vẫn chưa đạt kết quả vì liên quan tới việc chuyển giao công nghệ cao.
Cho tới nay DRDO và Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến của Mỹ đã nhất trí chỉ tham gia phát triển chung các hệ thống phát hiện chất nổ và hệ thống thông tin tình báo chỉ huy C4I . Thỏa thuận cuối cùng về các dự án này chưa được ký kết.
Một quan chức quốc phòng Ấn Độ cho hay không thỏa thuận vũ khí mới, quan trọng nào sẽ được ký kết trong chuyến thăm của ông Modi.
Hồi tháng trước, Bộ quốc phòng Ấn Độ đã nhất trí về việc mua 22 trực thăng tấn công Apache trị giá 1,4 tỷ USD và trực thăng vận tải hạng nặng Chinook trị giá 1 tỷ USD của Mỹ. Tuy nhiên, tính tới ngày 24/9, nguồn tài chính cho các thỏa thuận này vẫn chưa được cấp.
Thỏa huận nhằm mua 145 bích kích pháo siêu nhẹ trị giá 680 triệu USD cũng đang chờ ký kết kể từ năm 2010.
An Bình
Theo Defence