1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ lần đầu phóng thành công vệ tinh quan sát vũ trụ

(Dân trí) - Ấn Độ ngày 28/9 đã lần đầu phóng thành công một thiết bị quan sát không gian, kèm 6 vệ tinh vào quỹ đạo, trong bước đi tiếp theo trong chương trình vũ trụ "tỷ đô" đầy tham vọng.

Tên lửa của Ấn Độ đưa thiết bị quan sát Astrosat rời bệ phóng hôm 28/9 (Ảnh: ISRO)
Tên lửa của Ấn Độ đưa thiết bị quan sát Astrosat rời bệ phóng hôm 28/9 (Ảnh: ISRO)

Thiết bị quan sát có tên Astrosat được phóng đi từ đảo Sriharikota, tại bang Andhra Pradesh ở miền Nam Ấn Độ, người phát ngôn Tổ chức nghiên cứu và không gian Ấn Độ (ISRO) cho biết. Astrosat sẽ nỗ lực nghiên cứu sâu hơn vũ trụ, đặc biệt các hệ thống ngôi sao.

Thứ trưởng khoa học Ấn Độ Y.S. Choudhury cho biết vụ phóng thiết bị quan sát là một phần trong tầm nhìn của Thủ tướng Narendra Modi về chương trình không gian của Ấn Độ.

 

Ông Modi, người đang có chuyến thăm Mỹ đã chia sẻ trên Twitter lời chúc mừng về sự kiện: “Làm tốt lắm ISRO. Đây là một thành công lớn nữa cho khoa học Ấn Độ và các nhà khoa học của chúng ta”.

Hồi tháng 9/2014, Ấn Độ đã gia nhập một câu lạc bộ các quốc gia đi đầu trong khám phá vũ trụ, khi đưa thành công thiết bị thăm dò Mangalyaan vào quỹ đạo bay quanh sao Hỏa. Đến nay, mới chỉ có Mỹ, Liên Xô cũ và Cơ quan vũ trụ châu Âu từng làm được việc này. Tháng 12 vừa qua, Ấn Độ cũng đã phóng tên lửa nặng nhất của nước này, với trọng lượng 630 tấn.

Ấn Độ đang nỗ lực gia nhập thị trường thám hiểm không gian có quy mô nhiều tỷ USD, sau khi đã phóng thành công các vệ tinh nhẹ hơn những năm gần đây, nhưng gặp khó khăn với những thiết bị trọng lượng lớn.

Thiết bị phóng đưa Astrosat vào quỹ đạo cũng mang theo cả các vệ tinh của Indonesia, Canada và Mỹ.

Astrosat, với nhiệm vụ kéo dài 5 năm, sẽ truyền dữ liệu về một trung tâm kiểm soát tại thành phố Bangalore. Các viện thiên văn học khắp nước này cũng sẽ được tiếp cận dữ liệu đó, ISRO khẳng định.

Ấn Độ, lâu nay vẫn chỉ được biết đến với cuộc chiến chống đói nghèo hay sức mạnh công nghệ, đã tận dụng những nghiên cứu trong không gian và những nơi khác để giúp giải quyết các vấn đề trong nước, từ đo đạc mực nước ngầm tới dự báo những trận bão, lụt lớn.

Chương trình không gian của nước này có quy mô 1 tỷ USD/năm, đã giúp phát triển công nghệ vệ tinh, liên lạc và các công nghệ cảm biến từ xa được sử dụng để đo đếm tình hình xói mòn đất tại bờ biển, đánh giá mức độ lụt lội từ xa, và quản lý sự che phủ của rừng tại các khu vực cư trú của động vật hoang dã.

Thanh Tùng

Theo AP

 

Ấn Độ lần đầu phóng thành công vệ tinh quan sát vũ trụ - 2