1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ấn Độ “khoe” tàu sân bay tự chế

(Dân trí) - Ấn Độ hôm nay đã hạ thủy tàu sân bay tự chế đầu tiên, một sự kiện mang tính bước ngoặt trong dự án 5 tỷ đô nhằm tìm cách tăng cường sức mạnh của nước này và chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Tàu sân bay INS Vikrant trong lễ hạ thủy.

Tàu sân bay INS Vikrant trong lễ hạ thủy.

Tàu sân bay INS Vikrant đã được hạ thủy tại một xưởng đóng tàu ở thành phố cảng Kochi, bang Kerala, miền nam Ấn Độ.

“Đó là một bước ngoặt đáng chú ý”, Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ AK Antony nói trong lễ hạ thủy. “Sự kiện này chỉ đánh dấu bước đi đầu tiên trong một chặng đường dài, nhưng cũng là một bước đi rất quan trọng”.

Còn phó Đô đốc RK Dhowan của hải quân Ấn Độ đã miêu tả sự kiện hạ thủy là “thành công huy hoàng” của chương trình tự chế tạo các tàu chiến của hải quân Ấn Độ.

Tàu INS Vikrant dài 260m và có trọng tải 40.000 tấn. Tàu có thể chở các máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga và các máy bay hạng nhẹ khác.

Các nhà phân tích cho hay tàu INS Vikrant là một bước tiến quan trọng cho Ấn Độ, vốn đang cạnh tranh sự ảnh hưởng với Trung Quốc ở châu Á.

“Con tàu sẽ được triển khai ở vùng Ấn Độ Dương, nơi tập trung các lợi ích kinh tế và thương mại của thế giới. Khả năng của Ấn Độ luôn nhắm tới việc cạnh tranh với Trung Quốc", ông Rahul Bedi, một chuyên gia quốc phòng từ tạp chí IHS Jane's, nhận định".

Mặc dù thân tàu, việc thiết kế và một số máy bay được chế tạo ở trong nước nhưng hầu hết các vũ khí cũng như hệ thống đẩy được nhập khẩu.

Lễ hạ thủy của INS Vikrant hôm nay đánh dấu việc kết thúc giai đoạn chế tạo đầu tiên. Con tàu sau đó sẽ được đưa trở lại xưởng để tiếp tục hoàn thiện và chế tạo.

INS Vikrant dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc chạy thử trên biển vào năm 2016 trước khi được đưa vào phục vụ trong hải quân Ấn Độ năm 2018.

Hải quân Ấn Độ hiện cũng đang chế tạo 39 tàu và bắt đầu lên kế hoạch chế tạo 2 tàu sân bay khác.
 
Xem video:
 

An Bình
Theo AFP, BBC