Ấn Độ đủ sức vào top 3 cường quốc không quân thế giới?
Trang mạng Thông tin CNQP Nga ngày 18/06 đưa tin, song song với việc hợp tác đầu tư với Nga để chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 FGFA, không quân Ấn Độ còn đẩy mạnh phát triển loại máy bay thế hệ thứ 5 của riêng mình theo kế hoạch “Máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến” (AMCA).
Tại triển lãm hàng không quốc tế Bangalore tổ chức vào tháng 2 năm nay, Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã trưng bày mô hình của AMCA. So với mô hình được công khai lần đầu tiên năm 2011, rõ ràng là người Ấn Độ đã có sự điều chỉnh về thiết kế ngoại hình khí động học của nó.
Từ hiện tượng phát triển song song của 2 dự án FGFA và AMCA, một số chuyên gia quân sự cho rằng, có khả năng dự án riêng của Ấn Độ sẽ được dùng để thay thế cho kế hoạch hợp tác phát triển với Nga. Thế nhưng, cũng không loại trừ, Ấn Độ sẽ đồng thời phát triển cả 2 loại vì chúng có tính chất hoàn toàn khác nhau.
Biên đội không quân “Liên hiệp quốc” của Ấn Độ
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 FGFA hợp tác phát triển với Nga
Theo tin cho biết, rất có khả năng AMCA sẽ được trang bị loại động cơ quốc nội Kaveri. Loại động cơ này nguyên là sản phẩm được phát triển dành cho dự án máy bay chiến đấu hạng nhẹ LCA. Thế nhưng, do một số vấn đề về công nghệ, nó đã ra đời muộn hơn dự kiến, làm Ấn Độ buộc phải mua động cơ F-404 của Mỹ (sau này có thể được thay bằng phiên bản cải tiến của nó là F-414) để lắp đặt cho chúng.
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 AMCA do Ấn Độ tự sản xuất
Môt số nhà phân tích cho rằng, sở dĩ Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh dự án AMCA, là do một số hoài nghi về triển vọng của FGFA. Nguyên soái Browne cho biết, FGFA được chế tạo trên cơ sở nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Sukhoi T-50 của Nga. Khi tiến hành các hạng mục, rất khó để tuân thủ đúng theo tỷ lệ hợp tác 50 - 50 như phía Nga đề nghị.
Máy bay vận tải C-17 của Mỹ
Ngoài ra, Ấn Độ cũng hoài nghi về trình độ công nghệ của Nga trong một số lĩnh vực. Một vài chuyên gia công nghệ Ấn Độ cho rằng, trong vật liệu chế tạo T-50, tỷ lệ kim loại vẫn còn chiếm phần lớn. Điều này phản ánh một vấn đề là trình độ công nghệ trong sản xuất vật liệu tổng hợp của Nhà sản xuất Sukhoi vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, tỷ lệ composite ở nguyên liệu thiết kế máy bay chiến đấu hạng nhẹ LCA của Ấn Độ đã lên tới 43%.
Ngay từ năm 2006, Ấn Độ đã độc lập tự nghiên cứu, phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 AMCA, để điền vào khoảng trống giữa thế hệ máy bay chiến đấu hạng nhẹ quốc nội Tejas, máy bay chiến đấu hạng nặng Su-30MKI do Nga sản xuất và máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 FGFA hợp tác nghiên cứu với Nga trên cơ sở của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 FAK FA Sukhoi T-50.
Máy bay trinh sát chống ngầm P-8I nhập khẩu của Mỹ
Loại máy bay chiến đấu hạng trung thế hệ thứ 5 AMCA có trọng lượng cất cánh khoảng 19-20 tấn. Theo kế hoạch, nó sẽ tiến hành bay thử vào năm 2019 và đến năm 2025 sẽ được đưa vào trong biên chế của không quân Ấn Độ, kế hoạch sản xuất của AMCA dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 15 năm.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 Rafale của Pháp
Tháng 8/2012, không quân Ấn Độ tuyên bố, trong vòng 20 năm, tổng vốn hợp tác đầu tư với Nga trong chương trình phát triển FGFA ước chừng khoảng 35 tỷ USD (bao gồm cả chi phí nghiên cứu phát triển và mua sắm). Căn cứ vào kế hoạch ban đầu, đến năm 2014 Ấn Độ sẽ nhận được nguyên mẫu đầu tiên.
Trước đây, Ấn Độ hy vọng đến năm 2017 sẽ được trang bị loạt máy bay đầu tiên. Thế nhưng cách đây không lâu, Bộ quốc phòng nước này đã phải thừa nhận là nhà thầu Sukhoi không thể hoàn thành kế hoạch này đúng theo tiến độ, dẫn đến kéo dài thời hạn bàn giao máy bay. Dự kiến, nguyên mẫu thứ 2 và thứ 3 sẽ lần lượt được bàn giao vào năm 2017 và 2019.
Máy bay cảnh báo sớm Phalcon, Ấn Độ mua của Israel
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ thứ 4 Tejas do Ấn Độ tự sản xuất
Không quân Ấn Độ được các chuyên gia quân sự trên thế giới xếp hạng thứ 4 về quy mô lực lượng và đứng thứ 5 về năng lực tác chiến. Ngoài ra, Ấn Độ còn có lực lượng không quân bảo đảm thuộc loại mạnh nhất thế giới, với các loại máy bay trinh sát và tác chiến điện tử, máy bay cảnh báo sớm Embraer EMB 145, Phalcon, IL-76 mua từ Brazil, Israel và Nga; máy bay trinh sát chống ngầm P-8I của Mỹ, IL-38SD của Nga; máy bay vận tải hạng nặng của C-17 và C-130 của Mỹ, IL-76 của Nga…
Đến giai đoạn 2020 - 2025, không quân Ấn Độ sẽ có một biên đội máy bay chiến đấu hùng hậu, bao gồm đầy đủ các loại từ hạng nhẹ, hạng trung cho đến hạng nặng, từ máy bay thế hệ thứ 3 cho đến thứ 5, được xây dựng theo một mô hình hoàn hảo, kết cấu hợp lý, có lực lượng máy bay hiện đại, tinh nhuệ, năng lực tác chiến rất mạnh. Đến thời điểm đó, Ấn Độ có khả năng vượt qua Trung Quốc để lọt vào top 3 cường quốc không quân hàng đầu thế giới.