1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ấn Độ đánh sập tòa nhà 19 tầng vì xây dựng trái phép

(Dân trí) - Hai công trình nhà cao tầng và tòa tháp đôi ở phía nam Ấn Độ đã bị đánh sập thành tro bụi vì nhà thầu xây dựng đã vi phạm quy định về môi trường khi xây những công trình này.

Ấn Độ đánh sập tòa nhà 19 tầng vì xây dựng trái phép

Ấn Độ đánh sập tòa nhà 19 tầng vì xây dựng trái phép - 1

Một tòa nhà cao tầng bị đánh sập trong nháy mắt (Ảnh: AFP)

Theo Dailymail, 2 vụ đánh sập xảy ra vào ngày 11/1. Tòa nhà 19 tầng H20 Holy Faith gồm 90 căn hộ ở Maradu, thành phố Kochi, bang Kerala là công trình đầu tiên bị đánh sập thành tro bụi chỉ trong vài giây.

Bụi màu xám bốc lên như đám mây sau khi thuốc nổ được đặt vào các bức tường phát nổ. Tòa nhà này đã bị niêm phong vài năm qua cho tới khi Tòa Tối cao Ấn Độ phán quyết hồi tháng 5/2019 rằng nó phải bị đánh sập vì vi phạm quy tắc xây dựng công trình ở ven biển.

Vài phút sau đó, tòa tháp đôi Alfa Serene ở Maradu tiếp tục bị cho nổ tung.

Các cư dân ở tòa nhà này đã mua 343 căn hộ và hiện phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý kéo dài để đòi lại tiền họ đã chi ra. Một số người thậm chí đã mang toàn bộ tiền của dành dụm cả đời để mua nhà.

Hơn 2.000 người dân sống ở khu vực xung quanh đã được sơ tán vì lý do an toàn.

Ấn Độ đánh sập tòa nhà 19 tầng vì xây dựng trái phép - 2

(Ảnh: AFP)

Năm 2006, chính quyền địa phương từng cấp phép cho các nhà thầu tư nhân xây các công trình nhà cao tầng. Tuy nhiên, Tòa Tối cao hồi năm ngoái phán quyết rằng các công ty đã vi phạm luật xây dựng tại khu vực nhạy cảm về mặt sinh thái, gọi đây là “mất mát khổng lồ” về mặt môi trường.

Ngày 10/1, một tòa án cũng phán quyết đánh sập một khu nghỉ dưỡng ở quận Alappuzha lân cận vì công trình này vi phạm quy định về môi trường.

Kerala có các đầm phá nước lợ và hồ chạy song song với biển Ả Rập, khiến khu vực này khá dễ bị tổn thương với thiên tai và các vấn đề môi trường.

Năm 2018, Kerala đã trải qua đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong một thế kỷ khiên 400 người chết. Các chuyên gia cho rằng thảm họa xảy ra vì chính quyền địa phương đã quá năng nổ trong việc xây dựng các công trình nhà ở, khách sạn và khu nghỉ dưỡng mà không chú tâm tới các quy tắc xây dựng ở khu vực ven biển.

Cư dân của các tòa nhà ở Maradu ban đầu không chấp nhận rời đi nhưng cuối cùng đã thu dọn đồ đạc sau khi bị cắt điện và nước. Họ được chính quyền bang đền bù một phần trong khi các công ty xây dựng đang tìm cách hoàn tiền hợp đồng mua nhà.

Shamshudeen Karunagapally, người chi 145.000 USD mua 1 căn hộ tại một tòa nhà bị đánh sập, cho biết gia đình ông cảm thấy “đau đớn khi chứng khiến giấc mơ tan tành. Chúng tôi bị tổn thất ngay cả khi chúng tôi không làm gì sai”.

Đức Hoàng

Theo Dailymail