1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ đánh bại Trung Quốc trong cuộc đua tàu sân bay

(Dân trí) - Với việc hạ thủy tàu sân bay tự chế đầu tiên, Ấn Độ đã giành chiến thắng trong cuộc đua tàu sân bay với Trung Quốc, cựu Đô đốc hải quân Ấn Độ Sureesh Mehta nhận định.

Cựu Đô đốc Sureesh Mehta.

Cựu Đô đốc Sureesh Mehta.

Trong bài bình luận đăng tải trên một tờ báo ở Mumbai, cực Đô đốc Mehta tự hào nói rằng Ấn Độ đã chứng tỏ là một trong những siêu cường thế giới sau khi thể hiện khả năng tự thiết kế các tàu sân bay.

"Điều đó đã đưa chúng ta tới gần hơn chiến lược hàng hải với 3 tàu sân bay", ông Mehta nói.

"Kế hoạch là 2 trong 3 tàu sân bay phải hoạt động đầy đủ ở mọi thời điểm. Một chiếc có thể được triển khai ở bờ biển phía đông, và chiếc kia ở vùng bờ biển phía tây", cựu Đô đốc Mehta nói thêm.

Theo ông Mehta, với ít nhất 2 tàu sân bay đi vào hoạt động, khu vực quản lý của hải quân Ấn Độ sẽ tăng lên đáng kể.

Tàu sân bay được xem là một công cụ lớn trong việc bảo vệ các lực lượng và sẽ giúp hải quân Ấn Độ tiến vào một khu vực mới ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Điều này sẽ giúp Ấn Độ có lợi thế lớn trước Trung Quốc, vốn vẫn thiếu kinh nghiệm trong việc vận hành các tàu sân bay, ông Mehta nói.

"Chúng tôi đi trước Trung Quốc nhiều năm xét về kinh nghiệm và khả năng, và Trung Quốc sẽ phải cần thời gian để phối hợp các hoạt động của họ... Cần nhiều năm để đưa vào sử dụng một tàu sân bay và Trung Quốc phải kết nối với các lực lượng khác", ông nhận định.

Theo ông Mehta, Trung Quốc sẽ cần 5-7 năm để xây dựng các học thuyết biển của riêng mình để vận hành một tàu sân bay ở tây Thái Bình Dương.

Trong khi đó, các máy bay chiến đấu MiG-29K do Nga chế tạo được trang bị cho tàu sân bay INS Vikrant, với tầm bay ít nhất 300 hải lý, có thể gia tăng phạm vi và sức mạnh của tàu sân bay Ấn Độ.
 
Tàu sân bay tự chế INS Vikrant của Ấn Độ.
Tàu sân bay tự chế INS Vikrant của Ấn Độ.

Trước đó, hôm 12/8, Ấn Độ đã hạ thủy tàu sân bay tự chế tạo INS Vikrant trọng tải 40.000 tấn tại nhà máy đóng tàu Kochi, phía nam Ấn Độ. INS Vikrant dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc chạy thử trên biển vào năm 2016 trước khi được đưa vào phục vụ trong hải quân Ấn Độ năm 2018.

Sự kiện trên đã đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới sau Mỹ, Nga, Anh và Pháp có khả năng tự đóng các tàu sân bay.

Ấn Độ hiện có một tàu sân bay đang hoạt động - một tàu 60 năm tuổi của Anh mà Ấn Độ mua năm 1987 và đặt tên là INS Viraat.

Ngoài ra, Ấn Độ còn mua lại một tàu này của Nga và đặt tên là INS Vikramaditya. Con tàu này dự kiến sẽ được phía Nga bàn giao cho Ấn Độ vào cuối năm nay.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện chỉ có một tàu sân bay - Liêu Ninh. Đây là một tàu sân bay cũ mua của Ukraine và được tân trang thành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Liêu Ninh đã đi vào hoạt động từ năm 2012.

An Bình
Tổng hợp