Ám ảnh "bóng ma" chiến tranh lạnh: NATO kêu gọi tăng cường quân sự hoá
(Dân trí) - NATO đang xem xét lại chiến lược quân sự của khối này ở Tây Âu, bao gồm tăng cường hiện diện quân sự và hồi sinh lại “bóng ma của thời kỳ Chiến tranh Lạnh”, đẩy nhanh quá trình quân sự hoá trong khu vực, đồng thời gia tăng các biện pháp cứng rắn với Nga.
Người dân Đức biểu tình phản đối một chính sách của NATO. (Ảnh: Sputnik)
NATO mới đây đã thay đổi chiến lược quân sự của họ sau “tấm gương” khủng hoảng Ukraine bằng cách tái khởi động “cỗ máy chiến tranh ở châu Âu” nhằm đối phó với “mối đe doạ Nga”.
Thông qua một loạt hoạt động tập trận chung cũng như kế hoạch cung cấp vũ khí tấn công hạng nặng cho các đồng minh châu Âu đang trong tình trạng “âu lo”, Washington và NATO đang cố ngăn chặn những hành vi được cho là “gây hấn tiềm tàng” của Nga, nhà báo Anh Geoff Dyer nhận định.
Mỹ hiện đang hối hả thiết đặt hệ thống phòng thủ trải dài theo biên giới phía Đông của NATO. Chính quyền Obama đã hé lộ kế hoạch triển khai xe tăng và các hệ thống vũ khí hạng nặng ở sáu nước Đông Âu, từ Estonia ở phía Bắc cho tới Bulgaria ở phía Nam. Thêm vào đó, NATO cũng đang lên kế hoạch di chuyển một số lữ đoàn từ Mỹ và châu Âu sang đóng quân tại các nước Đông Âu.
Cùng lúc, NATO đã khởi động chương trình gia tăng các cuộc tập trận chung ở khu vực này. Trên thực tế, trong vài tuần gần đây quân Mỹ đã trải qua các đợt tập luyện “chưa bao giờ dữ dội đến thế” cùng với xe tăng ở Bulgari, Estonia và Litva. Sách lược hiện thời của NATO là để “bảo vệ” các đồng minh phía Đông bằng các lực lượng phản ứng nhanh với biên chế bao gồm binh sĩ của các nước thành viên.
Quân sự hóa quan hệ Đông Âu - Nga
“Tuy nhiên, có vài lý do để nghi ngờ về động cơ của lực lượng đồng minh trong nhiệm vụ phòng thủ mới đây”, ông Dyer nhấn mạnh, “nguyên nhân thực sự đằng sau sách lược mới của NATO chính là họ muốn quân sự hoá mối quan hệ của cả Đông Âu và Tây Âu đối với Nga”
Kể từ sau Chiến tranh lạnh, các nước châu Âu đã cắt giảm đáng kể ngân sách dành cho quốc phòng. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm châu Âu kiệt quệ và dẫn tới sự cắt giảm sâu rộng hơn nữa các chi phí dành cho quốc phòng.
Cụ thể như Đức đã bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc và cắt giảm nhanh chóng số lượng xe tăng, pháo. Theo các báo cáo, quân đội Đức hiện nay chỉ sở hữu 1/10 số lượng xe tăng họ từng có cách đây 25 năm.
Cũng trong thời gian đó, các cuộc thăm dò cho thấy sự thiếu quyết tâm của người dân trong việc bảo vệ các quốc gia thành viên NATO khỏi “hiểm hoạ Nga”. Thực tế là sau nhiều thập kỉ yên ổn trong hoà bình, giờ đây không còn mấy ai nghiêm túc quan tâm tới các chiến dịch tuyên truyền của liên minh Mỹ - NATO về “mối đe doạ Nga” nữa.
“Một điều không mấy dễ chịu nữa cho các nước thành viên NATO là sự chậm chạp của các nước Đông Âu trong kế hoạch quân sự hoá. Các lãnh đạo NATO hẳn sẽ rất lo lắng trong việc triển khai vùng biên giới phía Đông thành một tiền đồn vững chắc trong bối cảnh như vậy”, ông Dyer nhấn mạnh.
“Điều tương tự cũng đang xảy ra trong mối quan hệ với Nga”, ông Dyer nói, đồng thời nhắc lại rằng phương Tây và Nga dần giao tiếp với nhau bằng các tín hiệu quân sự, và rằng nguy cơ “leo thang” thành một cuộc chiến giữa các bên giờ đây còn lớn hơn cả ở thời Chiến tranh lạnh.
Khánh Trần
Theo Sputnik