Đây là thất bại thì đúng hơn, của chính sách đối ngoại không dứt khoát quyết liệt, có mục tiêu nhưng không rõ ràng, có đường lối nhưng không triển khai đến cùng của Nội các Obama.
AIIB mang lại ảnh hưởng gì?
Bất chấp cản trở mang tính cảnh báo của Mỹ, đồng minh Anh vẫn tuyên bố gia nhập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank - AIIB) do Bắc Kinh khởi xướng. Sau Anh (ngày 12/3/2015), Italia, Pháp, Đức, Canada, Thụy Sĩ cũng lên tiếng tham gia. Hàn Quốc và thậm chí Nhật (vâng, Nhật!) cũng cho biết họ có thể gia nhập, trở thành thành viên sáng lập vào trước ngày “khóa sổ” 31/3/2015.
AIIB, với ý tưởng được nêu năm 2013 và ban đầu chỉ được một số nước nhỏ ủng hộ (Việt Nam, Bangladesh, Campuchia, Lào, Malaysia, Nepal, Philippines…), là mô hình được Trung Quốc thiết lập nhằm cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - những nơi mà Trung Quốc không có tiếng nói trọng lượng. Sự kiện xảy ra ngay trong bối cảnh Nội các Obama không thuyết phục được Quốc hội chuẩn y ngân sách hỗ trợ IMF, khiến quyền bỏ phiếu của Mỹ có thể bị ảnh hưởng và quyền quyết định có thể rơi vào tay Trung Quốc cũng như các nền kinh tế mới nổi. Một sự việc càng tô đậm cho đám mây u ám.
Lễ ký bản ghi nhớ thành lập AIIB
Còn sớm để nói, sự xuất hiện AIIB sẽ làm lung lay các định chế tài chính “phương Tây - thuộc kiểm soát Mỹ” như IMF hoặc WB nhưng cần thấy một lẽ thường tình gần như bất dịch rằng, tiền trong tay ai thì quyền thuộc người đó. Nói cách khác, ai có quyền cho vay thì người đó có thể nắm được một phần sinh mạng chính trị mình. Được thành lập với mục đích cho vay các dự án hạ tầng, AIIB hoàn toàn có thể tạo sức ảnh hưởng chính trị theo cách mà IMF-WB từng làm. Trong khi đó, ADB (nơi Nhật ngồi ghế chủ tịch từ năm 1966 đến nay) cho biết, thâm hụt vốn đầu tư hạ tầng tại khu vực lên đến 800 tỉ USD/năm. Hãng tư vấn McKinsey & Company ước tính đầu tư hạ tầng toàn cầu từ nay đến 2030 cần đến 57 ngàn tỉ USD. Két sắt ADB hiện chỉ có 160 tỉ USD và WB có khoảng 500 tỉ USD.
Bắc Kinh dự báo từ nay đến năm 2020, châu Á cần khoảng 730 tỉ USD/năm để đầu tư hạ tầng. Cho nên, AIIB, với vốn “khởi nghiệp” 50 tỉ USD và chắc chắn tăng khi có đóng góp từ các thành viên phương Tây, có thể đóng vai trò là nhà cứu tinh cho các nước nghèo. Cái bóng IMF lẫn WB sẽ ít nhiều bị mờ trước sự xuất hiện AIIB. Còn nữa: Với AIIB, các vấn đề như nhân quyền hay môi trường có thể sẽ không là yếu tố quan trọng khi xét đến “tư cách người vay”.
Điều đáng quan tâm là AIIB có thể được Bắc Kinh dùng phục vụ lợi ích riêng cho các tập đoàn Trung Quốc hoặc thậm chí để đầu tư phát triển hạ tầng, chẳng hạn các cảng nước sâu, cho tham vọng quân sự của riêng họ. Việc cấp vốn, thiếu những “chuẩn mực an toàn” như mô hình IMF cũng có thể tạo ra nguy cơ khủng hoảng tài chính hoặc xáo trộn cộng đồng (thí dụ đầu tư xây dựng các con đập - điều mà Trung Quốc luôn hăm hở làm bất chấp hậu quả môi trường)… Đó là lý do tại sao một số nhà kinh tế học trong đó có Fred Bergsten thuộc Viện Peterson (cựu viên chức cấp cao Bộ Tài chính Hoa Kỳ) đang yêu cầu Mỹ gia nhập AIIB để có thể kiểm soát “hành vi” Trung Quốc…
Tình trạng kinh tế trì trệ và khủng hoảng sâu đã tạo điều kiện cho Trung Quốc thâm nhập mạnh vào châu Âu. Bloomberg (23/3/2015) cho biết, Trung Quốc đã thu tóm nhiều tập đoàn khổng lồ, từ Volvo ở Thụy Điển, chiếm cổ đông lớn trong hãng sản xuất xe Peugeot Citroen và nhà thời trang Sonya Rykiel ở Pháp, cảng Piraeus ở Hy Lạp, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Pizza Express và nhà thời trang Aquascutum ở Anh và gần đây nhất là hãng sản xuất lốp xe lừng danh Pirelli ở Italia - nước mà hồi tháng 10/2014 đã ký với Trung Quốc các giao dịch trị giá tổng cộng 8 tỉ euro!
Đó là chưa kể giao dịch vào tháng 11 năm ngoái, khi State Grid Corp của Trung Quốc mua một cổ phần trong tập đoàn năng lượng Italia CDP Reti SpA với giá 2,1 tỉ euro (trở thành thương vụ đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại châu Âu năm 2014). Tổng quát, theo tờ EU Observer (19/3/2015), chỉ riêng năm 2014, Trung Quốc đã tăng gấp đôi vốn đầu tư vào châu Âu, lên con số kỷ lục 18 tỉ USD; mậu dịch song phương lên đến 615 tỉ USD. Thời điểm hiện tại, EU - chứ không phải Mỹ - là đối tác kỹ thuật quan trọng nhất của Bắc Kinh. Anh là điểm đến hàng đầu đối với giới đầu tư Trung Quốc (5,1 tỉ USD vào năm 2014), theo sau là Italia (3,5 tỉ USD)…
Thất bại của Obama
Theo dự kiến, cuộc gặp chính thức của những nước lớn tổ chức vào cuối tháng 3/2015 tại Kazakhstan. Bắc Kinh hy vọng đạt được kết quả về “Những điều khoản thỏa thuận”, tức các điều luật cơ bản trong việc điều hành AIIB, vào cuối tháng 6/2015, để có thể đưa AIIB vào hoạt động cuối năm nay.
Một trong những vấn đề chưa được giải quyết là cách thức chia tỷ lệ phiếu trong số thành viên sáng lập. Một khả năng đang được đưa ra là 27 thành viên châu Á sẽ chiếm 75% tỷ lệ phiếu, với quyền của mỗi thành viên phụ thuộc vào kích cỡ GDP. 25% tỷ lệ phiếu còn lại thuộc về các nước không thuộc châu Á. Với cách này, Bắc Kinh chắc chắn chiếm đa số tỷ lệ phiếu trong các quyết định cấp vốn!
Trung tuần tháng 3/2015, tường trình các nghị sĩ Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Jacob J. Lew bày tỏ việc AIIB có thể không tuân thủ các tiêu chuẩn phổ quát của những định chế tài chính thế giới trong đó có quyền người lao động, môi trường, tham nhũng...
Đề cập đến “niềm tin quốc tế và ảnh hưởng” của Mỹ đang bị đe dọa từ việc Bắc Kinh lập ra định chế tài chính cạnh tranh với WB và IMF đồng thời lôi kéo các đồng minh Mỹ, Jacob J. Lew kêu gọi các ông nghị Cộng hòa Mỹ đồng ý với giải pháp cải tổ IMF để đối phó AIIB, nếu không “sẽ có một sự mất mát ảnh hưởng lẫn khả năng của Mỹ trong việc định hình các chuẩn mực quốc tế” (Financial Times 17/3/2015).
Liệu bản thiết kế đối ngoại Hoa Kỳ, nếu vẫn được đặt dưới ngòi bút phác thảo của Hillary Clinton, sẽ có thể khác hiện tại hay không, khi nó đang được hoạch định bởi John Kerry? Làm thế nào và tại sao ông Obama không thể thuyết phục được các đồng minh truyền thống như Anh, Đức, Pháp hoặc thậm chí Nhật ngoảnh mặt với AIIB? Đó có phải là sự mất dần ảnh hưởng Mỹ khi chính Mỹ ít nhiều từ bỏ vai trò siêu cường số một của họ?
Không so sánh nước Mỹ và Trung Quốc, trong đó có các yếu tố liên quan quân sự, kinh tế, chính trị - xã hội… chỉ so sánh cá nhân giữa hai nguyên thủ, có thể thấy ông Obama thật ra lép hơn ông Tập. Quan sát kết quả các cuộc “giao đấu” giữa hai bên tại Đông Nam Á đã có thể thấy điều đó.
Lên nắm quyền muộn hơn ông Obama 4 năm nhưng ông Tập tăng tốc dữ dội với các động thái leo thang đe dọa an ninh khu vực. Ông Tập tận dụng tốt khoảng trống thời gian khi ông Obama dò từng bước triển khai chính sách tái cân bằng (đến mức các tướng tư lệnh vùng của Mỹ còn bày tỏ bất mãn). Ông Tập luôn đặt trước mọi sự ở thế đã rồi. Ông Obama là người đi trước quân cờ nhưng ông không ấn định được thế đánh hòng khiến đối phương phải nghĩ cách gỡ. Mà là ngược lại.
8 năm Mỹ dính vào cuộc chiến chống khủng bố thời Bush đã tạo điều kiện cho Trung Quốc tranh thủ tác oai khu vực. Ông Obama đã nhận ra điều đó từ ngay khi mới vào Nhà Trắng và ông nhanh chóng “sửa sai” hậu quả di sản George W. Bush. Tuy nhiên, như cách ông thừa nhận rằng “tranh cử và lãnh đạo là hai điều khác nhau” (trong cuộc phỏng vấn truyền hình ngày 9/11/2014), việc ông nói với việc ông thực hiện cũng là hai điều khác nhau. Trong thực tế, ông Obama đang mất uy tín trầm trọng.
Khảo sát mới đây (CNN/ORC International) cho thấy, gần 7/10 người Mỹ bày tỏ giận dữ với đường hướng nước Mỹ đang đi; và 53% người Mỹ bất đồng với cách điều hành của ông Obama (CNN 28/10). “Thông minh” và “hùng biện” dường như là chưa đủ để làm tổng thống Mỹ. Với những gì thể hiện, ông Obama có lẽ thích hợp ở vị trí thượng nghị sĩ hơn là ghế nguyên thủ Hoa Kỳ.