Ai tháo ngòi nổ "hạt nhân Triều Tiên"?
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng nước này sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào và luôn trong tư thế “tấn công phủ đầu” nếu bị kẻ thù đe dọa, đang khiến cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng.
Đây là phản ứng tiếp theo của Bình Nhưỡng sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua Nghị quyết 2270, văn bản chứa đựng những biện pháp cấm vận được đánh giá là cứng rắn nhất trong vòng 20 năm qua liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Tuyên bố với báo giới khi đi chỉ đạo một cuộc bắn thử loại pháo mới được phát triển, ông Kim Jong-un khẳng định cách duy nhất để bảo vệ chủ quyền quốc gia là tăng cường hơn nữa chất lượng các lực lượng hạt nhân và sẵn sàng sử dụng loại vũ khí này “bất cứ lúc nào”.
Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên phản ứng tiêu cực với lệnh cấm vận của HĐBA LHQ. Trước Nghị quyết 2270, HĐBA LHQ từng áp đặt 3 lệnh trừng phạt với Triều Tiên vào các năm 2006, 2009 và 2013 và lần nào cũng gặp sự phản đối của Triều Tiên.
Tuy nhiên, thái độ lần này của Bình Nhưỡng căng thẳng hơn hẳn bởi biện pháp trừng phạt mới của HĐBA LHQ không chỉ lấp đầy những lỗ hổng trong các nghị quyết trước đó, mà còn áp đặt thêm hàng loạt những biện pháp mới được coi là hết sức hà khắc.
Tiếp theo vụ khiêu khích bắn các tên lửa tầm ngắn ra bờ biển phía Đông nước này hôm 3-3, Triều Tiên lại tung ra lời đe dọa phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân. Những hành động cứng rắn này đã khiến dư luận thế giới lo ngại.
Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản F. Kishida khẳng định: “Nhật Bản tuyệt đối không thể chấp nhận việc Triều Tiên phát triển hạt nhân và tên lửa”. Bộ Quốc phòng Mỹ thì cho rằng Bình Nhưỡng nên “kiềm chế các hành động khiêu khích”. Còn Đại sứ Nga tại LHQ V. Churkin bình luận Bình Nhưỡng đã không rút ra được bài học nào từ gói trừng phạt mới nhất do HĐBA LHQ áp đặt.
Có thể thấy dư luận quốc tế khá đồng thuận trong phản ứng trước hành động của Triều Tiên. Tuy nhiên mới ngày 2-3 vừa rồi, một báo cáo của Ủy ban giám sát lệnh trừng phạt Triều Tiên thừa nhận rằng, 4 nghị quyết với những biện pháp trừng phạt mỗi lúc một mạnh hơn đối với Triều Tiên kể từ năm 2006 đã không thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Cùng thời điểm trên, HĐBA LHQ cũng công bố nghiên cứu mới về việc Triều Tiên đã dùng những cách nào để lẩn tránh hiệu quả các biện pháp trừng phạt của quốc tế trong suốt 1 thập niên qua.
Chính vì thế, việc làm thế nào để Triều Tiên nhận ra rằng không thể tồn tại cùng vũ khí hạt nhân và sẽ không có sự lựa chọn nào khác là phải thay đổi, như mong muốn của Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-hee, là điều không dễ dàng.
Bình luận về phản ứng của Triều Tiên, Đại sứ Nhật Bản tại LHQ M. Yoshikawa thừa nhận đó là cách mà Bình Nhưỡng thường phản ứng với các lệnh trừng phạt của LHQ và họ có thể sẽ tiếp tục có các hành động tương tự.
Hiện tại, dư luận đang theo dõi sát xem Bình Nhưỡng sẽ phản ứng thế nào khi Chính phủ Hàn Quốc ngày 4-3 thông báo nước này đang xem xét bổ sung các biện pháp trừng phạt đơn phương chống Triều Tiên, tiếp sau nghị quyết của HĐBA LHQ, cũng như những lời răn đe sẽ có biện pháp cứng rắn hơn với Triều Tiên từ phía Mỹ.
Trước những dự đoán có phần bi quan về các phản ứng đó, câu hỏi ai và làm thế nào để tháo ngòi nổ “hạt nhân Triều Tiên” vẫn chưa có câu trả lời.
Theo Hoàng Sơn
An ninh thủ đô