1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ai sẽ là chủ nhân Nobel Hòa bình 2012?

(Dân trí) - Trước công bố giải Nobel Hòa bình vào ngày hôm nay, dự đoán về chủ nhân của giải thưởng sôi nổi suốt mấy ngày qua. Những cái tên nổi bật gồm có EU và các lãnh đạo tôn giáo, những người đóng góp không mệt mỏi cho sự hòa hợp giữa đạo Hồi-Thiên Chúa.

 

Ai sẽ là chủ nhân Nobel Hòa bình 2012?
3 người phụ nữ đã dẫn dắt cuộc chiến phi bạo lực vì quyền tham gia chính trường của phụ nữ đã đoạt giải Nobel Hòa bình 2011.

 

Theo Ủy ban Nobel Na Uy, năm nay có tới 231 cá nhân và tập thể nằm trong danh sách ứng cử tối mật của cơ quan này. Và người/tổ chức giành giải sẽ được công bố tại Oslo vào 11h sáng nay 12/10 (tức 3h chiều nay giờ Việt Nam).

 

Ứng viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau có trong danh sách lựa chọn, nhưng vào cuối ngày hôm qua 11/9, giới quan sát đã bàn tán về một vài lựa chọn chính, với châu Âu đứng đầu danh sách dự đoán.

 

Đài NRK, đài thường nắm rất rõ về thông tin giải thưởng, cho biết ngay trước khi công bố, Ủy ban Nobel năm nay có vẻ như đã có quyết định cuối cùng nghiên về Liên minh châu Âu (EU), sau 60 năm “người” tiền nhiệm của cơ quan này, Cộng đồng than và thép châu Âu, chào đời. Cộng đồng than và thép châu Âu đã mang lại hòa bình và ổn định cho Âu lục lúc đó bị “tan đàn xẻ nghé” bởi chiến tranh.

 

 “Ít nhất trong mắt người Na Uy, điều ngạc nhiên nhất là EU giành giải Hòa bình”, nhà bình luận của NRK  Knut Magnus Berge cho biết. Ông cho rằng giải thưởng trao cho EU sẽ ghi nhận vai trò lịch sử của khối này trong nỗ lực hợp nhất Âu lục sau Thế chiến II và trao cho khối động lực đúng vào thời điểm khu vực đồng tiền chung châu Âu đang vật lộn trong cuộc khủng hoảng nợ.

 

Song bầu cho EU sẽ gây tranh cãi, bởi 5 thành viên của Ủy ban Hòa bình được quốc hội Na Uy chọn và bản thân Na Uy đã hai lần từ chối gia nhập EU.

 

NRK cũng nhắc đến cuộc đấu tranh nhân quyền của giám mục Mexico Bishop Raul Vera Lopez trong danh sách ứng cử hàng đầu và cho biết NRK có cơ sở để tin giải năm nay sẽ được trao cho một người.

 

Giải Nobel hòa bình năm ngoái được chia sẻ cho 3 phụ nữ, đó là Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, “chiến binh hòa bình” Leymah Gbowee của bà và nhà hoạt động Yemen Tawakkul Karman trong phong trào biểu tình được gọi là Mùa xuân Ả rập.

 

Trong khi đó đài truyền hình TV2, cũng là cơ quan thường được tiếp cận sâu với nguồn tin Nobel, dự đoán giáo sư khoa học chính trị Mỹ Gene Sharp sẽ đoạt giải, vì những lý thuyết đấu tranh phi bạo lực của ông, đã truyền cảm hứng cho các phong trào nổi bật khắp thế giới, trong đó có cả Mùa Xuân Ả rập.

 

Cái tên chung duy nhất được cả NRK và TV2 nhắc đến là EU, tổ chức mà thành viên Na Uy, chủ nhà của Nobel Hòa bình đã hai lần từ chối tham gia vào năm 1972 và 1994.

 

Chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland cũng là tổng thư ký Hội đồng châu Âu và là người ủng hộ nhiệt thành khối 27 quốc gia này. Nhưng các cuộc thăm dò gần đây cho thấy gần 3/4 người Na Uy phản đối nước họ gia nhập EU.

 

Cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl, kiến trúc sư chính của một châu Âu hợp nhất, cũng được giới quan sát đề cập đến là người có khả năng được trao giải năm nay.

 

Ngoài ra, giới quan sát còn nhắc tới một số cái tên ở đông Âu cho giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay.

 

20 năm sau khi giải Nobel Hòa bình cuối cùng được trao cho châu Mỹ La-tinh, khi Rigoberta Menchu, người Guatamala, được nhận vinh dự đó vào năm 1992, NRK nhắc đến giám mục Mexico Lopez, người đã bảo vệ những số phận mong manh nhất ở một đất nước Mexico đang chìm trong cuộc chiến đổ nhiều máu của quân đội nhằm truy quét các băng nhóm ma túy.

 

Nhà hoạt động Afghanistan, người phản đối quần áo trùm đầu Sima Samar và Maggie Gobran, người được mệnh danh là “Mẹ Teresa” của Ai Cập vì hoạt động giúp đỡ người nghèo ở các khu ổ chuột Cairo, cũng được nhắc tới.

 

Người được trao giải Nobel Hòa bình năm nay sẽ nhận được một bằng chứng nhận, một huy chương vàng và khoản tiền 8 triệu kronor Thụy Điển (1,2 triệu USD) tại buổi lễ ở Oslo vào ngày 10/12 tới, đúng ngày mất của nhà công nghiệp Thụy Điển và nhà sáng lập giải Nobel, Alfred Nobel.

 

Vũ Quý

Tổng hợp

Dòng sự kiện: Mùa Nobel 2012