1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ai sẽ đặt ra luật chơi ở châu Á?

Với câu hỏi: Ai sẽ đặt ra luật chơi ở châu Á? “Diễn đàn Đông Á” số ra mới đây đã đăng bài viết trong đó nhấn mạnh khu vực này muốn thành công cần phải dựa trên sự đồng thuận.

Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22. (Ảnh:

Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22. (Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN)

Theo bài báo, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang vật lộn để phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và đặc biệt là những nước đang phát triển, cần phải tạo ra nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Trong năm 2015, những nước đang phát triển ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương có thể sẽ chiếm 2/3 tăng trưởng toàn cầu - nhiều gấp đôi so với phần còn lại của các nước đang phát triển ở những khu vực khác trên thế giới. Trung Quốc hiện nay là cường quốc kinh tế và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Với sự thành công kinh tế như vậy, thế giới đang đặt ra câu hỏi: Ai tạo ra luật chơi ở châu Á? Câu trả lời hiện nay chưa rõ ràng, nhưng nên biết rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần phải tránh dựa vào sự lãnh đạo của một quốc gia hay một tổ chức đơn lẻ.

Nếu châu Á-Thái Bình Dương có được vai trò mới trên thế giới để chứng minh sức mạnh kinh tế của mình, thì khu vực này cần phải bảo đảm rằng luật chơi được các nước cùng nhau đưa ra chứ không phải đơn phương bởi một nhà lãnh đạo, một quốc gia hay một nhóm cường quốc nào. Điều này sẽ đảm bảo thành công liên tục cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thành công của châu Á-Thái Bình Dương được xây dựng trên sự cởi mở và những nỗ lực sáng tạo để tận dụng sự toàn cầu hóa. Châu Á đã trở thành một ví dụ điển hình về sự hợp tác trong khu vực, như hợp tác giữa ASEAN và 3 nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, và hợp tác ngoài khu vực như trong tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Những sáng kiến mới đang được tiến hành, bao gồm việc thiết lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á và Ngân hàng Phát triển Mới, trước đây gọi là Ngân hàng BRICS. Những hiệp định thương mại mới tiếp tục được thúc đẩy, bao gồm Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Sự phát triển thành công của các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc là kết quả của việc hội nhập nền kinh tế toàn cầu và tích cực tham gia hệ thống đa phương. Trong vài thập kỷ qua, cả bốn quốc gia này đã đi lên từ nhận viện trợ nước ngoài để trở thành nhà cung cấp tài chính lớn. Sự chuyển biến của Hàn Quốc từ nước có thu nhập thấp đến nước có thu nhập cao chỉ trong một thế hệ vẫn là ví dụ nổi bật nhất của việc sử dụng viện trợ hiệu quả và sẵn sàng tiến tới đảm nhận trách nhiệm đối với khu vực và toàn cầu với những đóng góp về ý tưởng, xây dựng năng lực và cung cấp tài chính để duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và giảm nghèo ở những khu vực khác.

Vậy, khu vực này cần một hình mẫu phát triển như thế nào trong tương lai?
 
Có ba khía cạnh nổi bật sau đây:

Đầu tiên, mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác khu vực. Hợp tác rộng lớn hơn có nghĩa bao gồm có nhiều đối tác hơn ở bên ngoài khu vực, như trong TPP và RCEP, do đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ trở thành một sân chơi bình đẳng, ít rào cản đối với thương mại, tri thức và sự đi lại của người dân, đồng thời có các động cơ đúng đắn phù hợp với sự đổi mới. Những thỏa thuận mới có thể giúp mang lại những đối tác mới, triển vọng mới và cơ hội mới. Ví dụ, khi ASEAN tiến tới hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, có thể sẽ có hành động dứt khoát để hạ thấp các rào cản đối với các dịch vụ như tài chính, vận tải và viễn thông.

Thứ hai, nhìn sâu vào bên trong và làm cho các chính phủ hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn. Mặc dù thành công về kinh tế, song khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn xếp hạng thấp hơn so với những khu vực khác ở một số khía cạnh hoạt động của chính phủ như cung cấp dịch vụ, xây dựng, thực hiện chính sách, và chất lượng dịch vụ đối với người dân. Nâng cao hiệu quả của khu vực công sẽ giúp duy trì tăng trưởng kinh tế trong một nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn và giải quyết được các mối lo ngại ngày càng gia tăng về bất bình đẳng kinh tế và xã hội. Minh bạch hơn cũng sẽ rất hữu ích. Việc dân chúng giám sát chặt chẽ hơn sẽ buộc các chính phủ phải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ tốt hơn.

Thứ ba, chia sẻ những bài học để giúp vượt qua những thách thức. Châu Á phải tiến tới trở thành nhà cung cấp các mặt hàng cho thế giới. Điều này đòi hỏi phải có kinh nghiệm và sự nhạy bén, còn nếu lưỡng lự thì cũng giống như các nước khu vực khác chỉ mong có mức thu nhập trung bình.

Với tiềm năng của mình, khu vực này có thể tiến xa hơn và trở thành nhà cung cấp hàng hóa cho toàn cầu. Ví dụ, Nhật Bản là nước đi đầu trong quản lý rủi ro thiên tai và đã vươn ra các nước trong và ngoài khu vực để chia sẻ kinh nghiệm cũng như hiểu biết của mình. Tương tự như vậy, Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc đầu tư hiệu quả vào năng lượng. Để duy trì thành công trong suốt thế kỷ 21 này, các quy tắc ở châu Á-Thái Bình Dương phải được tạo ra không phải bởi một quốc gia hay bởi một tổ chức mà dựa trên sự đồng thuận của các nước. Điều này có nghĩa cần phải có sự nỗ lực tập thể để đi đến thành công.

Theo TTK