1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ai sẽ chỉ huy chiến dịch tại Libya thay Mỹ?

(Dân trí) - Mặc dù máy bay Pháp khai hỏa, nhưng Mỹ mới thực sự là nhân tố chủ lực trong hoạt động quân sự đầu tiên ở Libya. Vậy ai xứng đáng thay thế Mỹ, khi nước này tỏ rõ mong muốn rút về vị trí chỉ hỗ trợ cho chiến dịch mà thôi?

Ai sẽ chỉ huy chiến dịch tại Libya thay Mỹ? - 1
Mới phát động được vài ngày, nhưng chiến dịch quân sự nhằm vào Libya đã phải đối mặt trước khó khăn chọn người đứng đầu.
 
Mặc dù Anh và Pháp luôn chứng tỏ được vai trò tích cực của mình trong việc thúc đẩy một hoạt động quân sự ở Libya, nhưng nhiều người vẫn còn tỏ ra hoài nghi về khả năng chỉ huy của họ. Và mặc dù máy bay Pháp “khai màn” hỏa tiễn nhưng Mỹ mới thực sự là “tay chơi” chủ lực trong hoạt động quân sự đầu tiên nhằm vào Libya, mang đến hỏa lực chủ yếu làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống phòng không của chính phủ Tổng thống Gadhafi.
 
Song vào ngày chủa nhật vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố Washinton sẽ sớm trao sứ mệnh chỉ huy chiến dịch cho một liên minh do Anh, Pháp hoặc NATO dẫn đầu “trong vòng vài ngày nữa”.

Điều này chắc chắn không hề đơn giản.

Ngay từ đầu, sứ mệnh của liên quân đã được Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại châu Phi (Africom) của Lầu Năm Góc chỉ huy từ một căn cứ quân sự của Mỹ tại Đức. Căn cứ này nằm ở Stuttgart và căn cứ không quân của nó nằm ở Ramstein, cũng tại Đức.

Hoạt động chỉ huy quân sự không chỉ là vấn đề thực tế, kinh nghiệm mà còn đòi hỏi cả yếu tố chính trị. Các trụ sở chỉ huy cũng phải có tất cả các cơ sở, hệ thống liên lạc có thể thiết lập và điều hành một chiến dịch ngay tức thời.

Đó là lý do vì sao, khi bất cứ hành động quân sự nào được vạch ra, nó thường được thực hiện tốt nhất bởi một trụ sở đã có thâm niên hoạt động.

NATO chia rẽ

Đối với một sứ mệnh phức tạp, đa quốc gia giống như sứ mệnh tại Libya hiện nay, các ứng cử viên “sáng giá” có thể là NATO, tổ chức đã chỉ huy chiến dịch đánh bật lực lượng Serbia ra khỏi Bosnia hay một trụ sở đã được thành lập của Mỹ như Centcom, cơ quan đã chỉ huy cuộc chiến ở Iraq nhằm lật đổ Saddam Hussein.

Bắc Phi nằm trong trách nhiệm quản lý của Africom, vì vậy họ là lựa chọn hàng đầu.

Africom là một trong 6 bộ chỉ huy phân chia theo vùng của Mỹ, được thiết lập vào năm 2007, khi quyền lợi an ninh của Washington tại lục địa đen ngày càng lớn mạnh.

Mục tiêu ban đầu của bộ chỉ huy này là được đặt trụ sở tại một quốc gia châu Phi, mặc dù cuối cùng họ đã phải lấy Đức làm nơi đóng đô.

Nhưng lúc này Mỹ tỏ rõ mong muốn chuyển sang vị trí hỗ trợ hơn là đảm nhận vai trò chỉ huy, tập trung chủ yếu vào thu thập thông tin tình báo cho chiến dịch tại Libya.

Vậy ai có thể đảm nhiệm vai trò của Africom?

Phát biểu tại quốc hội, Thủ tướng David Cameron tỏ rõ mong muốn của Anh. Ông nhấn mạnh muốn thấy cuộc “chuyển giao cho một bộ chỉ huy NATO, dùng bộ máy của NATO. Nó đã được thử nghiệm, sẽ thành công và kết nối được mọi người và đã từng thiết lập được các vùng cấm bay trước đó”, ông cho hay.

Tuy nhiên, bản thân NATO cũng có vấn đề. Một lý do là họ không thể chỉ huy trong bối cảnh các quốc gia thành viên chưa đạt được đồng thuận. Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ. Họ không nhất trí với quy mô của chiến dịch.

Ngoài ra, các nước khác cũng có những e ngại riêng.

Na Uy cho hay 6 chiến đấu cơ họ đóng góp sẽ không tham gia cho đến khi nào biết rõ ai sẽ chỉ huy lực lượng đa quốc gia hiện nay.

Và Italia cũng cảnh báo sẽ xem xét lại việc cho lực lượng liên quân sử dụng các căn cứ của mình nếu NATO nắm giữ sứ mệnh chỉ huy.

Liên đoàn Ảrập lưỡng lự

 

NATO có lên kế hoạch nếu xảy ra tình huống bất ngờ. Nhưng cho đến nay đèn xanh chính trị vẫn chưa được bật. “Những cuộc tham vấn phi chính thức vẫn đang được tiến hành”, là tất cả những gì NATO có thể nói lúc này.

Ngoài ra, NATO còn vướng vấn đề chính trị khác. Đó là sự ủng hộ của Liên đoàn Ảrập. Sự ủng hộ của họ cho một vùng cấm bay đã là nhân tố quan trọng để nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc được thông qua vào hôm thứ năm vừa qua.

Song kể từ đó, với dấu hiệu lưỡng lự của lãnh đạo Liên đoàn Ảrập Amr Moussa (nhưng giờ ông đã cho biết hoàn toàn ủng hộ vùng cấm bay), tồn tại một nỗ lực cấp bách là làm sao đưa được lực lượng không quân Ảrập cùng tham gia chiến dịch.

Qatar đã nhất trí tham gia, và Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất cũng dự kiến nhập cuộc. Qatar có thể triển khai một lượng nhỏ máy bay chiến đấu Mirage do Pháp phát triển cùng với các máy bay của Pháp. Song các chính phủ Ảrập lại tỏ ra không yên tâm khi NATO làm chỉ huy, do NATO đã và đang quá tải tại Afghanistan, chiến dịch vốn gây tranh cãi đối với nhiều nước Ảrập.

“Liên đoàn Ả rập không muốn chiến dịch được đặt hoàn toàn dưới trách nhiệm của NATO”, Alain Juppe, ngoại trưởng Pháp đã tuyên bố như vậy. Nhưng ông cũng phải thừa nhận rằng vai trò của NATO rất cần thiết.

Và như vậy kết quả khả dĩ nhất có thể là kiểu nửa vời.

Michael Clark, giám đốc Viện dịch vụ thống nhất Hoàng gia tại London, kết luận: “Trao quyền chỉ huy cho một nước NATO khác, nhưng vẫn dùng cấu trúc chỉ huy của NATO, sẽ là giải pháp tối ưu kể cả về chính trị cũng như quân sự”, đặc biệt là khi chiến dịch này đang diễn ra ở bên kia bờ Địa Trung Hải, nơi có ít thách thức về hậu cần.

Phan Anh

Theo BBC

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm