1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ai lãnh đạo phe nổi dậy ở Libya?

(Dân trí) - Khi các cuộc biểu tình nổi dậy chống lại Đại tá Gadhafi bùng phát ở Libya, đại diện của nhóm người này ở các thành phố, thị trấn miền đông đã thành lập một chính quyền lâm thời, được gọi là Hội đồng quốc gia lâm thời. Vậy ban lãnh đạo này gồm những ai?

 

Ai lãnh đạo phe nổi dậy ở Libya? - 1

Hội đồng quốc gia lâm thời Libya đặt trụ sở tại Benghazi, thành trì của phe nổi dậy.

Hội đồng quốc gia lâm thời có mục đích cung cấp chỉ đạo về chính trị và quân sự, thành lập các cơ quan cơ bản và đại diện cho người Libya ở nước ngoài. Lãnh đạo của Hội đồng này cho hay Hội đồng không phải là một chính phủ, nhưng có mục đích “lèo lái” Libya tới một kỷ nghiên hậu Gadhafi, rồi sau đó “dẫn dắt đất nước tới bầu cử tự do và thiết lập hiến pháp cho Libya”.

 

Theo trang web của nhóm này, Hội đồng quốc gia lâm thời hiện gồm 31 thành viên, đại diện cho các vùng, thành phố khác nhau của Libya. Một số được nêu tên, trong khi một số đại diện cho các vùng Ajdabiya, Kufra, Ghat, Nalut, Misrata, Zintan và Zawiya vẫn còn ẩn danh. 5 ghế trong Hội đồng do phụ nữ nắm giữ, 5 do người trẻ nắm giữ.

 

Theo nhiều nguồn tin, các cuộc họp của Hội đồng khá lộn xộn và ban lãnh đạo cũng không nhất quán, đôi khi còn mơ hồ không biết đại diện cho ai.

 

Mustafa Mohammed Abdul Jalil – Chủ tịch

 

Ai lãnh đạo phe nổi dậy ở Libya? - 2
Ước tính ông có tài sản trị giá 400.000USD.
Ông Abdul Jalil đã từ chức Bộ trưởng tư pháp Libya vào ngày 21/2 nhằm phản đối chính phủ “sử dụng quá nhiều bạo lực chống lại những người biểu tình không có vũ khí”. Ông là thành viên đầu tiên trong Hội đồng đại nhân dân của Libya có động thái này.

 

Ông Abdul Jalil sinh năm 1952 ở thành phố Bayda, miền đông Libya. Đây là một trong những nơi đầu tiên bùng nổ cuộc nổi dậy chống lại đại tá Gadhafi. Ông đã theo học Luật và Luật Hồi giáo tại Đại học Libya.

 

Sau khi tốt nghiệp, ông Abdul Jalil làm luật sư tại một văn phòng công tố ở Bayda, trước khi trở thành thẩm phán vào năm 1978. Năm 2002, ông được bổ nhiệm là Chủ tịch Tòa án phúc thẩm. Chức vị cuối cùng của ông trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp vào năm 2007 là chủ tọa tòa án ở Bayda.

 

Khi làm Bộ trưởng Tư pháp, ông được ca ngợi vì nỗ lực cải tổ luật hình sự của Libya.

 

Và khi các cuộc biểu tình mới bùng phát ở Benghazi vào giữa tháng 2 vừa qua, chính phủ Libya đã cử ông tới đàm phán với những người biểu tình. Nhưng sau đó ông đã từ chức, với lý do đã chứng kiến “cảnh bắn giết, bắt giam vô cớ những người biểu tình hòa bình”. Trong vòng vài ngày, ông trở thành chủ tịch của Hội đồng quốc gia lâm thời.

 

Vào ngày 9/3, truyền hình quốc gia Libya cho hay chính phủ của ông Gadhafi đã treo thưởng 400.000USD để bắt ông Abdul Jalil.

 

Abdul Hafez Ghoga – Phó chủ tịch, người phát ngôn

 

Ai lãnh đạo phe nổi dậy ở Libya? - 3

Ông Ghoga là luật sư về nhân quyền ở Benghazi và là một nhà tổ chức cộng đồng. Ông đã bị con trai của đại tá Gadhafi cáo buộc phản quốc.

 

Ông Ghoga bị bắt vào ngày 19/2, ngay sau khi nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ. Song ông đã được thả vài ngày sau đó.

 

Sau khi được thả, Ghoga nhanh chóng trở thành nhân vật nổi bật, khi tự xưng là người phát ngôn của một hội đồng lâm thời, “đối thủ” của hội đồng do ông Mustafa Abdul Jalil tạo dựng.

 

Tuy nhiên, sau đó, vào đầu tháng 3 ông được bổ nhiệm là phó chủ tịch và người phát ngôn của Hội đồng quốc gia lâm thời.

 

Con trai của đại tá Gadhafi, Saif al-Islam, mô tả ông Ghaga là kẻ trở mặt trên tờ al-Sharq al-Awsat. “Hai tuần trước, ông ta còn ngồi trong lều của đại tá Gadhafi, hoanh nghênh, tán thưởng, và thậm chí còn xuất hiện trên đài truyền hình al-Jazeera bảo vệ Libya và chính phủ. Tuy nhiên, giờ ông ta lại đang nói về lật đổ chính quyền?”

 

Omar al-Hariri – Chịu trách nhiệm các vấn đề quân sự

 

Hariri là một trong những sỹ quan tham gia vào một cuộc đảo chính nhằm lật đổ đại tá Gadhafi năm 1969. Cựu sỹ quan này đã bị bỏ tù sau khi cuộc đảo chính thất bại. Hariri phải ngồi tù 15 năm để đợi bị xử tử, nhưng sau đó vào năm 1990 đã bất ngờ được đại tá Gadhafi tha bổng. Tuy nhiên, ông bị quản thúc tại gia cho đến khi các cuộc biểu tình nổ ra.

 

Đại tá Lamine Abdul Wahhab, một thành viên của Hội đồng quân sự nổi dậy, đại diện cho khu vực Benghazi, cho hay việc bổ nhiệm ông Hariri sẽ nâng cao khả năng phối hợp của quân nổi dậy.

 

Hariri là thành viên của bộ lạc Farjan, bộ lạc ở tây Libya và có tiếng nói nổi bật trong và quanh cứ địa Sirte của đại tá Gadhafi. Tờ Wall Street Journal cho rằng việc bổ nhiệm ông Hariri vào vị trí trên là nhằm lôi kéo các bộ lạc có ảnh hưởng tại Libya.

 

Hariri được quân nổi dậy tung hê là anh hùng mỗi khi xuất hiện. Chính Hariri là người muốn cộng đồng quốc tế thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Libya và thậm chí là có thể không kích vào các mục tiêu quân sự của chính phủ Libya. Ông cho rằng chính quyền của ông Gadhafi cuối cùng sẽ sụp đổ, nhưng nhà lãnh đạo này chắc chắn sẽ không ra đi một cách lặng lẽ.

 

Mahmoud Jibril – Chịu trách nhiệm các vấn đề đối ngoại

 

Ai lãnh đạo phe nổi dậy ở Libya? - 4

Ông Sarkozy đã công nhận Hội đồng quốc gia lâm thời là đại diện hợp pháp của người dân Libya sau các cuộc họp với ông Jibril (giữa ) và ông Issawi
Trước cuộc nổi dậy, ông Jibril tham gia vào dự án được gọi là “Tầm nhìn Libya”, với các trí thức khác, nhằm tìm kiếm thành lập “một nhà nước dân chủ”. Ông cũng là lãnh đạo Ủy ban khủng hoảng của phe nổi dậy. Ủy ban này có nhiệm vụ đưa ra những quyết định quan trọng.

 

Sinh năm 1952, ông Jibril có bằng tiến sỹ khoa học chính trị và bằng tiến sỹ hoạch định chiến lược ở Đại học Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ. Sau khi hoàn thành bằng tiến sỹ năm 1984, ông đã dạy ở trường này nhiều năm. Sau đó ông trở thành lãnh đạo của Hội đồng kế hoạch quốc gia Libya. Năm 2009, ông được bổ nhiệm là chủ tịch Hội đồng phát triển kinh tế quốc gia (NEDB), được thành lập vào giữa những năm 2000 nhằm khuyến kích đầu tư và phát triển kinh tế tại Libya. Ông báo cáo trực tiếp lên thủ tướng.

 

Theo một bức điện tín bị WikiLeaks tiết lộ, ông được Mỹ đánh giá là người “có đầu óc cải cách”.

 

Ali Issawi - Chịu trách nhiệm các vấn đề đối ngoại

 

Issawi từ chức đại sứ Libya tại Ấn Độ vào ngày 21/2 nhằm phản đối “việc dùng bạo lực chống lại người dân” của chính phủ và việc triển khai “lính đánh thuê nước ngoài chống lại người Libya”.

 

Ông sinh ở Benghazi vào năm 1966, có bằng tiến sỹ về tư hữu hóa ở Học viện nghiên cứu kinh tế tại Bucharest, Romania. Năm 2005, ông trở thành giám đốc Chương trình mở rộng quyền sở hữu, một quỹ của chính phủ Libya nhằm khuyến khích tư hữu hóa và là người thành lập Trung tâm Phát triển xuất khẩu vào năm 2006.

 

Năm sau đó, ông trở thành Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và đầu tư Libya. Ông là người trẻ nhất từng đảm nhiệm vị trí này.

 

Sau cuộc cải tổ nội các tháng 3/2009, ông không còn giữ chức vụ này nữa.

 

Ahmed al-Zubair Ahmed al-Sanusi – Chịu trách nhiệm tù chính trị

 

Sanusi bị cáo buộc âm mưu tham gia vào một cuộc đảo chính bất thành chống lại đại tá Gadhafi vào năm 1970 và phải ngồi tù 31 năm, với nhiều năm biệt giam. Ông được thả vào tháng 8/2001.

 

Trong số các lãnh đạo phe nổi dậy, Zubair là hậu duệ duy nhất của vị vua cuối cùng tại Libya, Idriss al-Sanusi.

 

Fathi Mohammed Baja – Đại diện cho Benghazi

 

Baja là giáo sư khoa học chính trị được đào tạo tại Mỹ của Đại học Benghazi và là thành viên của Hội đồng thành phố Benghazi.

 

Ông từng bị cơ quan an ninh quốc gia cáo buộc viết bài chỉ trích chính phủ.

 

Baja đã giúp soạn thảo bản tuyên ngôn của phe nổi dậy, với hai nguyên tắc chính: đoàn kết dân tộc và dân chủ.

 

Fathi Tirbil Salwa – Đại diện cho người trẻ

 

Tirbil đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng các cuộc biểu tình chống đối. Luật sư trẻ này đã giúp tổ chức một cuộc biểu tình hòa bình ở Benghazi vào ngày 15/2.

 

Salwa al-Dighaili – Đại diện cho phụ nữ

 

Dighaili là một luật sư tại Benghazi và xuất thân trong gia đình có tiếng tại đông Libya. Chú của cô phải ngồi tù vì tham gia các hoạt động chống đối.

 

Trước cuộc nổi dậy,  Dighaili tích cực tham gia Hiệp hội cải cách Benghazi, kêu gọi cải cách luật và chấm dứt tham nhũng.

 

Các luật sư ở Benghazi, trong đó có Dighaili và Fathi Tirbil, đóng vai trò lớn trong các cuộc biểu tình chống ông Gadhafi những ngày đầu và giúp thành lập Hội đồng quốc gia lâm thời.

 

Phan Anh

Theo BBC