Ai Cập: Phe đối lập biểu tình “quyết định” vào ngày mai
(Dân trí) - Phe đối lập ở Ai Cập đã kêu gọi cuộc biểu tình “hàng triệu người” vào ngày mai để lật đổ chính phủ, bất chấp trong động thái mới nhất, Tổng thống Hosni Mubarak đã mở cánh cửa đối thoại với các chính đảng đối nghịch.
Theo ông El Baradei, hiến pháp của đất nước phải được dân chủ hóa. Ông El Baradei đã cùng tham gia biểu tình ở Cairo từ hôm qua và sáng nay đã chính thức kêu gọi hơn 1 triệu người tham gia biểu tình vào ngày 1/2 “để lật đổ chính phủ Mubarak”.
Phong trào phản đối chính phủ bắt đầu từ ngày 25/1, đến cuối tuần này đã biến thành một cuộc bạo loạn. Trong thông điệp gửi đến các nhà lãnh đạo trong chính phủ mới, được kênh truyền hình nhà nước Nile TV đăng tải hôm qua, ông Mubarak thừa nhận cuộc biểu tình hiện nay là mối bất bình về thực trạng kinh tế của Ai Cập. “Tình hình hiện nay yêu cầu chúng ta phải tái tổ chức những ưu tiên của đất nước theo cách lắng nghe những yêu cầu chính đáng của người dân”, ông nói.
Tổng thống Ai Cập đã thúc giục các quan chức trong nội các mới, đặc biệt là Thủ tướng mới được ông bổ nhiệm Ahmed Shafiq, theo đuổi “các cuộc đối thoại với tất cả các chính đảng”. Những cuộc thảo luận như thế này, theo ông, “sẽ đạt được tiến trình dân chủ”.
Ông Mubarak có tuyên bố trên trong bối cảnh hôm qua, tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Chính phủ hầu như không kiểm soát được thủ đô Cairo và thành phố lớn khác. Các cuộc biểu tình chống chính phủngày càng leo thang. Nạn trộm cướp hoành hành. Thậm chí, trụ sở của đảng Dân chủ quốc gia cầm quyền cũng bị cướp bóc và đốt phá. Viện Bảo tàng quốc gia Ai Cập nổi tiếng thế giới “Antikhana”, kho tàng hiện vật vô giá thời cổ đại cũng bị tấn công. Lợi dụng tình trạng bất ổn, hàng nghìn tù nhân trốn thoát khỏi trại giam. Những tên tội phạm được tự do này là nguy cơ đe dọa khiến cho tình hình càng thêm trầm trọng.
Chính quyền Cairo cũng đang phải chịu những áp lực từ phía bên ngoài. Pháp, Đức và Anh đã kêu gọi Tổng thống Mubarak tránh sử dụng bạo lực đối với những người biểu tình không vũ trang và nên bắt đầu cuộc cải tổ chính trị trong nước. Về phần mình, Washington khuyến khích các nhà lãnh đạo Ai Cập không nên chỉ hạn chế bằng sự hoán vị nội các.
Giới phân tích phương Tây cho rằng tình hình Ai Cập sẽ khó được kiểm soát do thứ nhất, tình hình đã đi quá xa, phần lớn dân số, kể cả thanh niên và người lớn tuổi - đều không hài lòng với các chính sách xã hội và kinh tế; thứ hai là hiệu ứng biểu tình của cuộc cách mạng ở Tunisia và sự "lên men" ở Algeria và Yemen; thứ ba, Tổng thống Hosni Mubarak đã 82 tuổi.
Nhiều nước sơ tán công dân
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cho hay sẽ bắt đầu sơ tán công dân nước họ ra khỏi Ai Cập, nơi mà các cuộc biểu tình chống chính phủ đã khiến hơn 150 người thiệt mạng trong 7 ngày qua - Đại sứ quán Mỹ tại Cairo và hãng tin Anatolia của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã loan báo như thế hôm qua.
Mỹ cũng khuyến cáo các công dân Mỹ tránh du hành sang Ai Cập, và Bộ Ngoại giao cho phép thân nhân cũng như các nhân viên sứ quán không có nhiệm vụ khẩn cấp rời khỏi Ai Cập.
Tại Israel, Thủ Tướng Benjamin Netanyahu nói nước ông đang theo sát các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Ai Cập, trong tình trạng “cảnh giác cao”. Ông Netanyahu nói các nỗ lực của nước ông đang tập trung vào nỗ lực duy trì ổn định và an ninh trong khu vực. Ai Cập đã ký hòa ước với Israel, và từng đóng một vai trò quan trọng, trong tư cách là trung gian điều giải giữa Israel và người Palestine.
Trước đó, Nga đã thành lập Ban điều phối khẩn cấp để giải quyết vấn đề với các du khách Nga ở Ai Cập. Hiện nay ở Ai Cập có hơn 20.000 công dân Nga.
Trong khi đó, Malaysia cho biết nước này cũng có kế hoạch sơ tán công dân khỏi Ai Cập khi cần thiết. Còn theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, bạo loạn ở Ai Cập đang khiến hơn 80 công dân nước này bị mắc kẹt ở sân bay quốc tế Cairo 3 ngày qua.