Ai Cập bắt giữ cựu Tổng thống Mubarak và 2 con trai
(Dân trí) - Bộ trưởng Tư pháp Ai Cập hôm nay đã ra lệnh bắt giam cựu Tổng thống Mubarak 15 ngày để điều tra về các cáo buộc tham nhũng cũng như lạm dụng quyền lực. Hai con trai ông cũng bị thẩm vấn và bắt giữ.
Ông Mubarak trong một bức ảnh chụp vào năm 2010.
Đây là thái mới nhất trong hàng loạt sự kiện lớn liên quan đến cuộc điều tra đối với các quan chức thuộc chính quyền cũ và diễn ra vài giờ sau khi cựu Tổng thống Muabarak, 82 tuổi, phải nhập viện ở khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh bên bờ Biển Đỏ vì lên cơn đau tim. Đây cũng là cuộc điều tra chưa từng có tiền lệ đối với một cựu lãnh đạo trong thế giới Ảrập.
Kể từ khi ông Mubarak buộc phải từ chức vào ngày 11/2 trước làn sóng biểu tình mạnh mẽ của công chúng, người dân Ai Cập liên tục gây sức ép đối với các nhà lãnh đạo quân sự cầm quyền, đòi truy tố ông Mubarak và nhiều thành viên khác dưới chính quyền của ông.
Tuyên bố về việc giam giữ ông Mubarak của văn phòng bộ tư pháp đã được đăng tải trên mạng xã hội Facebook từ sớm ngày thứ tư. Thông tin trên trang mạng này cho biết giới chức trách đang tiến hành điều tra các cáo buộc tham nhũng, biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực để tư lợi cá nhân đối với ông Mubarak.
“Bộ trưởng Tư pháp đã lệnh bắt giam cựu Tổng thống Hosni Mubarak và các con trai của ông Gamal cùng Alaa 15 ngày để điều tra”, thông tin cho biết.
Chỉ vài giờ trước, một tuyên bố riêng rẽ khác cho biết 2 người con trai của cựu Tổng thống đang bị thẩm vấn và bị giam giữ. Theo thông tin mới nhất hai người con trai này đã bị đưa đến nhà tù Tora ở Cairo.
Dự kiến ông Mubarak sẽ vẫn ở trong bệnh viện trong thời gian bị giam giữ này.
Xoa dịu người biểu tình
Cuối ngày hôm qua, đám đông giận dữ gồm khoảng 2.000 người đã tụ tập bên ngoài bệnh viện ông Mubarak đang nằm, yêu cầu bắt giữ các con trai của ông. Sau đó, vào đầu giờ sáng ngày thứ tư, người đứng đầu cơ quan an ninh tỉnh ở Nam Sinai cho hay Gamal và người em trai Alaa sẽ bị bắt giữ.
Gamal Mubarak ngày càng có vai trò lớn trong chính phủ của cha trong suốt một thập niên qua và được cho là người có thể kế nhiệm cha trước khi xảy ra làn sóng biểu tình ở Ai Cập.
Nhiều cộng sự của Gamal là những tỉ phú, nắm giữ vị trí cao trong đảng cầm quyền cũng như chính phủ. Có cáo buộc cho rằng họ đã dùng vị trí của họ để tư lợi cá nhân.
Ngay sau khi ông Mubarak nhập viện và có dấu hiệu cho thấy tình trạng của ông không nghiêm trọng, Bộ trưởng Tư pháp Mohammed el-Guindi cho biết ông Mubarak đã bị thẩm vấn trên giường bệnh liên quan đến việc dùng vũ lực đối với người biểu tình. Ước tính khoảng 800 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình khi cảnh sát nổ súng và trấn áp người biểu tình.
Ông Mohammed el-Guindi cũng cho biết thêm, phòng chống tham nhũng của Bộ Tư pháp sẽ tiến hành cuộc điều tra về các cáo buộc tham nhũng sau.
Người biểu tình khiến ông Mubarak phải từ chức ngay từ đầu đã đòi truy tố ông. Những người biểu tình cho rằng họ đã bị lạm dụng nhiều thập niên. Họ cũng chỉ trích quân đội, lên lãnh đạo đất nước sau khi ông Mubarak ra đi, quá gần gũi với chế độ cũ và không nhanh chóng đưa ông Mubarak ra trước vành móng ngựa.
Trong 4 ngày, người biểu tình đã chiếm một phần của Quảng trường Tahrir ở trung tâm Cairo và không cho xe cộ qua lại. Nỗ lực giải tán người biểu tình của quân đội vào hôm thứ bảy đã khiến ít nhất 1 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, làm gia tăng căng thẳng giữa người biểu tình và các nhà lãnh đạo quân sự.
Cuộc điều tra đối với các con trai của ông Mubarak cũng được cho là nhằm xoa dịu phe đối lập.
Vào ngày chủ nhật, trong một thông điệp được ghi âm trước, ông Mubarak đã lên tiếng bảo vệ mình, cho biết ông không lạm dụng quyền lực và các nhà điều tra có thể thoải mái kiểm tra tài sản của ông.
Đây là phát biểu đầu tiên của ông Mubarak đối với công chúng trong 2 tháng qua, kể từ khi ông từ chức. Ngay sau đó, Bộ trưởng Tư pháp đã phát lệnh triệu hồi ông Mubarak tới tòa để thẩm vấn.
Phan Anh
Theo AP